Khoa Lão khoa - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bệnh lý tim mạch như sau nhồi máu cơ tim, suy tim, rung nhĩ, sau phẫu thuật tim.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lan (65 tuổi, ở Hải Phòng) bị nhồi máu cơ tim nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y trong tình trạng nguy kịch, sau điều trị tích cực bệnh nhân được chuyển về Khoa Lão khoa - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tiếp tục theo dõi duy trì thuốc nội khoa và can thiệp phục hồi chức năng sớm. Hiện tại, sau 2 tuần, bệnh nhân đã có thể đi lại tốt, hô hấp bình thường, các kiểm tra đánh giá chức năng tim mạch cải thiện rõ từng ngày.
Bệnh nhân Trần Quang An (72 tuổi, ở Hà Nội), sau phẫu thuật hẹp van tim được chuyển về Khoa Lão khoa trong tình trạng còn ăn uống qua sonde, dẫn lưu lồng ngực, thở hạn chế do đau, thiếu oxy mạn tính biểu hiện trên lâm sàng. Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị phục hồi chức năng bao gồm hô hấp trị liệu tập thở, tập vận động thay đổi tư thế, đi lại… kết hợp các liệu pháp tâm lý trị liệu. Sau 1 tháng điều trị tích cực toàn diện, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, các chức năng tim mạch, hô hấp, vận động hồi phục, có thể ra viện trở lại cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng Khoa Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến và có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, phục hồi chức năng tim mạch là chương trình phòng ngừa thứ cấp toàn diện, một bước quan trọng song song với các phương pháp điều trị tích cực nhằm giúp bệnh nhân tim mạch quay trở lại cuộc sống hằng ngày, sống khỏe mạnh và phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Phục hồi chức năng tim mạch được áp dụng với những bệnh lý: nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim, đau thắt ngực, một số bệnh tim bẩm sinh, sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, nong động mạch, cấy ghép tim, thay van tim… có thể được thực hiện ở ngay bệnh viện hoặc duy trì tại nhà.
Chia thành các giai đoạn khác nhau tùy tình trạng bệnh lý cũng như khả năng đáp ứng điều trị ở mỗi ca bệnh, bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng sẽ đưa ra các chương trình tập luyện phù hợp bao gồm giáo dục và các hỗ trợ về tâm lý xã hội để đạt được hiệu quả tích cực.
Phục hồi tim mạch đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tim mạch, hạn chế tác dụng phụ của thuốc, cải thiện chức năng tim. Đồng thời góp phần quan trọng nâng cao thể chất của bệnh nhân, giúp người bệnh tập luyện đạt mức tối đa về thể lực; giảm các trạng thái tâm lý tiêu cực, giảm lo âu và tái hòa nhập với cộng đồng, giảm thiểu và phòng ngừa các biến chứng.
Bác sĩ Việt Hà cũng lưu ý, tuy mang lại nhiều lợi ích đáng kể nhưng việc tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch cần được áp dụng nghiêm túc. Chương trình phục hồi chức năng tim mạch được thực hiện dựa trên đánh giá của bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên vật lý trị liệu, áp dụng cụ thể với từng bệnh cảnh tim mạch khác nhau để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn cho người bệnh.
Trong đó, các thành phần của chương trình phục hồi chức năng tim mạch toàn diện bao gồm điều trị nội khoa, giáo dục tư vấn sức khỏe, tâm lý và giải quyết các vấn đề tâm lý nếu có; xây dựng chương trình tập luyện phù hợp với từng bệnh nhân riêng biệt theo nguy cơ, có sự điều chỉnh dựa trên từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
4 yếu tố cơ bản được thầy thuốc đưa vào chương trình tập luyện vận động bao gồm tần suất tập luyện, thời lượng tập luyện, cường độ tập luyện, loại bài tập. Các yếu tố này được tiến hành song song với phân tầng nguy cơ trước khi tập luyện, áp dụng cho tất cả bệnh nhân tim mạch, nhằm xác định tính phù hợp của tập vận động với từng cá thể.
Ngoài ra các thầy thuốc chuyên khoa giàu kinh nghiệm thường áp dụng phân chia nhóm nguy cơ dựa trên tình trạng bệnh lý và kết quả từ các trắc nghiệm lượng giá chức năng tim mạch. Phân nhóm sẽ mang lại hiệu quả phục hồi chức năng tim mạch một cách toàn diện và an toàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn