Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cho biết mục tiêu của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021-2025 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.
Với sự nỗ lực tham mưu của Hội LHPN từ huyện đến cơ sở, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và sự phối hợp từ các ban ngành; các nhiệm vụ của Dự án 8 trong thời gian qua tại huyện Phước Sơn được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Việc triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án 8 trên địa bàn huyện bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, một số tập tục lạc hậu được bà con được hạn chế, dần được bãi bỏ như: sinh con tại nhà, cúng quả khi ốm đau, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong phòng, chống bạo lực, xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.
+ Bà có thể chia sẻ rõ hơn về các kết quả cụ thể của Dự án 8 trên địa bàn?
- Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp: Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án 8 đối với phụ nữ trẻ em dân tộc thiểu số, để hoạt động của Dự án thực sự đi vào đời sống, đạt hiệu quả; Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, HĐND huyện và UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội trên địa bàn huyện chủ động, linh hoạt tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động, chỉ tiêu của Dự án 8 theo kế hoạch.
Tại huyện Phước Sơn, Dự án 8 được triển khai tại địa bàn 12 xã thị trấn, 33 thôn đặc biệt khó khăn. Đối tượng thụ hưởng của Dự án là phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn (lấy chồng nước ngoài trở về), phụ nữ khuyết tật…
Theo đó, Hội LHPN huyện và cơ sở đã thành lập 20 tổ truyền thông cộng đồng với 140 người tham gia, trong đó có 42 nam và 98 nữ; hiện đang duy trì hoạt động tại 20 thôn, bản đặc biệt khó khăn (tỷ lệ 60.6%).
Trong 3 năm (2022 -2024), Hội LHPN cấp huyện thực hiện 99 cuộc truyền thông cộng đồng về nội dung "Xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ trẻ em" tại 33 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn thu hút hơn 7.400 lượt hội viên, phụ nữ và nhân dân tham dự.
Tổ chức Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023; hơn 500 phụ nữ mang thai được tuyên truyền, vận động đến sinh con tại cơ sở y tế…
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã thành lập mới 1 "Địa chỉ tin cậy" hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại tổ dân phố số 1 (thị trấn Khâm Đức); 5 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện.
Hội LHPN huyện cũng tổ chức toạ đàm chia sẻ giải pháp xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em ở các xã Phước Công, Phước Hiệp, Phước Mỹ; hơn 500 phụ nữ tham gia trong các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử tại địa bàn (đạt tỷ lệ 56%)…
Đồng thời, Hội cũng tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, kỹ năng vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng dân cư 10 xã vùng Dự án 8.
+ Trong quá trình triển Dự án 8 có những thuận lợi, khó khăn gì không?
- Về mặt thuận lợi, trong quá trình thực hiện Dự án 8, Hội luôn được cấp uỷ và chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện về mọi phương diện để triển khai thực hiện một cách toàn diện nhất. Nhiều địa phương đã có nhận thức tốt hơn về bình đẳng giới, từ đó dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng nhất là hội viên, phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai Dự án cũng gặp phải một số khó khăn. Trong đó, việc xây dựng các mô hình tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Thực tế cho thấy, việc vận động hộ dân tham gia làm địa chỉ tin cậy tại cộng đồng còn khó vì hộ dân sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; điều kiện cơ sở vật chất về nhà ở, phòng ốc còn chưa đảm bảo. Hơn nữa, mô hình hoạt động chủ yếu dự trên tình thần tự nguyện của các hộ dân, không có kinh phí để duy trì các mô hình.
Nhân lực Hội LHPN cấp huyện và cơ sở hạn chế (4 người/ huyện; 2 người/ xã) cũng là nguyên nhân có thể cản trở việc triển khai các hoạt động trong Dự án. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ Hội ở cấp cơ sở xã, thị trấn còn hạn chế nên việc cụ thể hoá từng nội dung hoạt động của Dự án gặp nhiều khó khăn.
+ Hội có đề xuất, kiến nghị gì để việc triển khai Dự án 8 được thuận lợi, hiệu quả hơn không, thưa bà?
- Hội mong muốn Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục quan tâm hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai các nội dung của Dự án; cung cấp thêm các tài liệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cấp cơ sở Hội đồng loạt triển khai các hoạt động của Dự án gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số… nhằm triển khai Dự án đạt hiệu quả hơn nữa !
+ Cảm ơn bà đã chia sẻ!
+ Được biết, trước đây tục chặt củi "bắt chồng" hay tảo hôn là những vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Gié Triêng trên địa bàn. Vậy với việc triển khai Dự án 8, hủ tục này đã được hạn chế hoặc xóa bỏ chưa?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp: Quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực về mặt nhận thức của người dân được thể hiện ở các tập tục như: Tục chặt củi "bắt chồng" hiện nay đã được bà con nhân dân bãi bỏ; bà con chỉ tái hiện lại nghi thức dựng vợ, gã chồng vào các dịp lễ hội của người Bnoong (Gié Triêng); tình trạng tảo hôn theo thông kê hằng năm giảm dần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn