Phương pháp Kaizen trị tận gốc căn bệnh “để mai tính” của con

20:00 | 17/05/2017;
Rất nhiều cha mẹ khó chịu, thậm chí bất lực với con khi nhắc nhở hay giục giã con làm việc gì thì đều nhận được câu trả lời: Lát nữa con làm. Căn bệnh “để mai tính” mang đến cho trẻ thói quen và hậu quả rất xấu.
choi-dien-thoai.jpg
Căn bệnh "Để mai tính" là thói quen xấu của nhiều đứa trẻ. Ảnh minh họa

Mỗi lần giục cậu con trai lớp 8 làm gì thì chị Nguyễn Mai Phương (Hàng Đồng, Nam Định) đều nhận được câu trả lời: "Mẹ cứ để đấy, lát nữa con làm".

Thế nhưng, lát nữa của cậu thì kéo dài vô tận và nếu không bị mẹ thúc giục nhiều lần thì gần như cậu để đấy và không làm. Ngay từ việc học là nhiệm vụ của cậu nhưng mẹ giục đến mỏi mồm thì tay cậu vẫn mê mải với chiếc điện thoại hoặc quyển truyện. Đến khi ngồi vào bàn học được một lúc thì mắt díp lại, cậu lại tặc lưỡi: "Nghỉ đã, để mai học".

Với việc nhà, câu cửa miệng của cậu luôn là: "Mẹ cứ để đấy, lát con làm". Và cậu nằm ì một chỗ để “chát chít” với bạn bè, chơi game. Giục con mỏi mồm không được, chị Phương vừa càu nhàu, vừa làm giúp con. Thế nên, sự lười biếng của cậu ngày càng trầm trọng. Căn bệnh “để mai tính” của cậu trở thành thói quen khó bỏ.

Không chỉ con trai chị Phương mà rất nhiều người trẻ mắc “căn bệnh” này. Nhiều người dù biết ngoại ngữ còn yếu, luôn hô hào sẽ “đầu tư” cho môn học này để thêm cơ hội xin việc, thế nhưng chỉ “hăng” được mấy ngày rồi “xẹp”. Nguyên do cũng chỉ vì nghĩ: Khó quá, thôi chơi nốt hôm nay, ngày mai sẽ học.

Thói quen “để mai tính” khiến con người ta trì trệ và rất nhiều cơ hội vuột mất. Chính vì vậy, để giúp con vượt qua sự trì hoãn, thói quen xấu này, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp Kaizen của người Nhật Bản.

de-mai-tinh2.jpg
Áp dụng phương pháp Kaizen sẽ giúp trẻ tạo được thói quen tích cực. Ảnh minh họa

Đây là phương pháp khiến bạn làm điều mà bạn cảm thấy quan trọng với bản thân, trong thời gian rất ngắn, và làm nó liên tục, đều đặn hàng ngày. Nguyên tắc tối quan trọng của phương pháp Kaizen đó là phải làm một việc đủ dễ, đủ đơn giản, không cần phải suy nghĩ, và sau đó là liên tục liên tục làm hàng ngày. Từ đó, căn bệnh trì hoãn, hay bệnh lười bị đánh bại hoàn toàn.

Ví dụ như, nếu muốn duy trì thói quen đọc sách, thay vì phát nản với cả cuốn sách dày cộp, mỗi lần đọc, bạn chỉ đọc 1 trang sách, nếu 1 trang sách vẫn quá khó, hãy chỉ đọc nửa trang, hoặc thậm chí một đoạn ngắn.

Nếu muốn tập thể dục và bạn không có đủ động lực để tập hẳn 30 phút hay 1 tiếng, hoặc đến phòng gym, không sao cả, hãy tập thể dục trong 1 phút.

Nếu bạn không còn đủ sức để học ngoại ngữ, hãy học ngoại ngữ 5 phút mỗi ngày. Chẳng hạn như chỉ đọc một bài đọc ngắn, đọc một mẩu truyện ngắn.

Cốt lõi của phương pháp này nằm ở chỗ, sau mỗi lần làm như vậy, bạn thay đổi chưa nhiều, nhưng sự duy trì và lặp đi lặp lại sau đó, mới chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt.

Khi một thói quen, một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều, thì bộ não quen với nó, và không thể thiếu nó, giống như oxy, không khí vậy. Khi đó, những việc vốn dĩ trước đây chúng ta không thích thì bây giờ chúng ta lại rất thích, và khi quen rồi thì cũng tự nhiên chúng ta sẽ tăng thời gian dành cho hoạt động đó lên.

Chẳng hạn, sau 3 tháng rèn thói quen mỗi ngày chỉ đọc sách 5 phút, bạn ngồi vào bàn đọc sách, tự nhủ chỉ 5 phút thôi, một lúc sau nhìn đi nhìn lại đã thấy rằng mình đọc cả tiếng đồng hồ. Bạn tự nhủ mỗi ngày chỉ học ngoại ngữ 5 phút, khi quen rồi, vừa ngồi vào một lúc, lúc sau đã thấy mình ngồi đọc cả nửa tiếng… Tương tự như vậy với tất cả các thói quen khác.

 

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn