Triệu chứng điển hình của bệnh gan là mệt mỏi. Ngoài ra người bị bệnh gan còn cảm thấy chán ăn, mất năng lượng, kiệt sức, tổn thương hệ miễn dịch, dễ bị ốm... Chính vì vậy, ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc tập luyện cũng góp phần đẩy lùi những triệu chứng.
Các môn thể thao như đạp xe, đi bộ, yoga...giúp bệnh nhân ngủ ngon ăn, kích thích ăn ngon, nhờ đó hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn. Đặc biệt, luyện tập còn giúp giải phóng hợp chất giàu năng lượng, cung cấp năng lượng cho cơ thể, kích thích hệ miễn dịch, hạn chế các tác nhân gây viêm hoặc virus viêm gan tấn công.
Trong điều trị bệnh viêm gan virus, xơ gan, ngoài việc phải tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn dùng thuốc của bác sỹ, tuyệt đối không bỏ dở liệu trình điều trị, có chế độ ăn uống khoa học… thì luyện tập là phương pháp nên phối hợp để nâng cao sức đề kháng, cải thiện các triệu chứng, hỗ trợ điều trị nguyên nhân, giảm các nguy cơ khiến tình trạng viêm gan, xơ gan tiến triển.
Luyện tập ở người mắc bệnh về gan còn giúp hạn chế cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, cải thiện tình trạng táo bón hay gặp ở người bệnh. Giảm quá trình oxy hóa, tăng tưới máu, tăng oxy dưỡng các mô, chống lại quá trình oxy hóa tại gan, hạn chế sản sinh các gốc tự do có hại cho gan.
Ngoài ra, tập luyện còn giúp kích thích sản sinh glutathione - đây là một chất tham gia vào quá trình thải độc của gan, giúp khử các gốc tự do sinh ra tại gan trong quá trình khử độc. Việc tập luyện kích thích sản sinh chất này sẽ tăng cường chức năng giải độc cho gan, bảo vệ gan khỏi tác nhân gây hại, rất cần thiết cho người bệnh gan.
Tập luyện còn giúp giảm các nguy cơ gây ra bệnh về gan như béo phì, tiểu đường, huyết áp...
Đa số các hình thức tập luyện đều rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với người bị bệnh gan cần ưu tiện các bài tập nhẹ nhàng để khiến tim khong phải hoạt động nặng để bơm máu đến gan. Các bài tập phù hợp với người bệnh như thể dục nhịp điệu, các động tác yoga đơn giản. Các bộ môn như đi bộ, đạp xe, bơi lỗi cũng giúp người bệnh hạn chế các triệu chứng và giúp hỗ trợ điều trị bệnh tốt.
Về thời gian tập luyện: người bệnh nên tập tối thiểu 10 phút mỗi ngày, tốt nhất 20-30 phút với các bài tập thể dục nhịp điệu, yoga. 5-10 phút để đạp xe, bơi lội, mỗi ngày 30 phút, 1 tuần tập 4-5 lần. Tuy nhiên, nếu chỉ có thể tập vài phút mỗi lần thì người bệnh cũng không cần quá vội vàng, nên tập phù hợp theo thể trạng và lên dần cường độ tập. Đối với người viêm gan cấp tính hoặc xơ gan đang trong giai đoạn tiến triển thì nên vận động hết sức nhẹ nhàng và nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có chế độ luyện tập tốt nhất.
Người bị bệnh gan thường cảm thấy mệt mỏi, cảm giác này có thể gây khó khăn cho người bệnh khi tập luyện. Tuy nhiên, hãy đặt mục tiêu điều trị bệnh lên đầu tiên bạn sẽ có động lực để vận động.
Mặc dù vận động là tốt, tuy nhiên cần biết thể trạng của mình để lựa chọn bài tập phù hợp. tốt nhất không nên tham gia các bài tập quá nặng, chúng có thể khiến bạn mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau, kết hợp với tác dụng phụ của thuốc điều trị, bạn sẽ dễ từ bỏ việc tập luyện.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể duy trì thói quen vận động với các hình thức đơn giản hơn như đi bộ, đi cầu thang bộ, chạy bộ...
Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước trong khi tập thể dục, đặc biệt nếu bạn bị viêm gan loại B hoặc C hoặc đang dùng thuốc theo toa. Cung cấp nước cho cơ thể cũng là giữ cho gan không bị mất nước để giảm sự căng thẳng trong gan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn