Viêm phế quản mãn tính là tình trạng các triệu chứng của viêm phế quản kéo dài trên 3 tháng trong vòng 2 năm liên tiếp. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm trong một khoảng thời gian dài, thường biểu hiện bằng các triệu chứng không quá đặc hiệu như ho, khó thở, và khạc đờm nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Cho đến hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị viêm phế quản mãn tính một cách triệt để giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Việc điều trị viêm phế quản mãn tính chủ yếu nhằm các mục đích giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, làm chậm sự tiến triển của bệnh, ngăn ngừa các biến chứng và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Khi bị viêm phế quản mãn tính, điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh mà bệnh nhân mắc phải mà bác sĩ sẽ có thể chỉ định sử dụng một số nhóm thuốc khác nhau như:
- Thuốc giãn phế quản: Người bệnh có thể được cho sử dụng các loại thuốc giãn phế quản trong điều trị viêm phế quản mãn tính để làm giãn đường thở của bệnh nhân, giúp bệnh nhân hô hấp dễ dàng hơn. Những loại thuốc giãn phế quản thường được dùng bao gồm các thuốc cường hệ adrenergic hay theophylline.
- Steorid: Nếu các triệu chứng viêm phế quản mãn tính của bệnh nhân không cải thiện khi sử dụng các loại thuốc giãn phế quản, người bệnh có thể được cho sử dụng các loại steroid dạng hít. Tuy nhiên khi sử dụng steroid để điều trị viêm phế quản mãn tính người bệnh có thể gặp một số tác dụng tại chỗ do thuốc như nhiễm nấm,...
- Kháng sinh: Kháng sinh có thể được sử dụng trong các đợt bội nhiễm của bệnh nhân viêm phế quản để loại trừ vi khuẩn.
- Thở oxy: Khi chức năng của bệnh nhân viêm phế quản mãn tính bị ảnh hưởng quá nhiều dẫn đến hoạt động hô hấp bình thường không thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các liệu pháp oxy để hỗ trợ hô hấp.
- Vacxin: Sức đề kháng với các bệnh hô hấp có tính truyền nhiễm của bệnh nhân viêm phế quản thấp hơn nhiều so với người bình thường. Mà vi sinh vật (nhất là virus) lại là nguyên nhân chủ yếu tạo nên các đợt cấp viêm phế quản, do đó người bệnh có thể được sử dụng các loại vaccin để dự phòng nhiễm trùng đường hô hấp.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân sử dụng phẫu thuật để điều trị viêm phế quản mãn tính. Kỹ thuật phẫu thuật thường được là cắt bỏ bớt các mô phổi nhỏ bị tổn thương để giảm thể tích phổi.
Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế thì những phương pháp thay đổi lối sống theo hướng tích cực cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị viêm phế quản mãn tính.
- Tạo độ ẩm cho không khí để làm loãng đờm nhớt bằng các loại máy tạo ẩm. Tuy nhiên cần vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên để tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển gây hại cho đường hô hấp.
- 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao với cường độ vừa phải có tác dụng nâng cao thể chất của người bệnh và giảm đi cảm giác khó thở một cách đáng kể.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường sống để hạn chế các yếu tố gây tổn thương cho để quản, chẳng hạn như bỏ hút thuốc lá, thay đổi nơi sống và làm việc nếu có thể, đeo khẩu trang khi đi ra đường,...
- Người bệnh có thể tập thở bằng môi để giảm đi cảm giác khó thở.
Có thể thấy rằng, điều trị viêm phế quản mãn tính là một quá trình lâu dài. Do đó, người bệnh cần kiên trì thực hiện đúng theo các chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn