'Phượt thủ' khiếm thị mê chụp ảnh

09:18 | 11/10/2016;
Đi “phượt”, leo núi rồi chụp ảnh là đam mê của nhiều người. Nó đòi hỏi bạn phải có sức khỏe, lòng dũng cảm, đôi mắt sáng. Nhưng có người đã vượt qua giới hạn đó. Là một “phượt” thủ nhưng đôi mắt người ấy đã không nhìn được ngọn núi nào.

1. Chuyện anh chàng Justin Salas ở TP Oklahoma (Mỹ) bị mất khả năng nhìn không phải là do 1 tai nạn đột ngột hay 1 biến chứng bất ngờ. Từ khi 5 tuổi, mắt của Salas đã có vấn đề khiến cậu bé phải đeo kính mới có thể đọc sách, nhìn chữ. Tình hình sau đó biến chuyển ngày càng tồi tệ và các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân suy giảm thị lực của Salas. Gia đình cậu rất lo lắng, trong khi Salas thì vẫn vô tư chơi đùa với đôi mắt kính ngày càng dày trên khuôn mặt.

Salas là một đứa trẻ hiếu động và giàu đam mê. Cậu say mê chơi các môn thể thao và tỏ ra xuất sắc so với chúng bạn, dù luôn phải đeo cặp kính dày cộp. Salas cũng rất thích vẽ tranh và thể hiện khuynh hướng hội họa rất tốt. Thế nhưng, xe đạp, bóng chày, bóng rổ và cả tranh vẽ đều phải xếp xó vào năm chú bé này 14 tuổi. Thời điểm ấy, mắt của Salas không còn nhìn thấy gì, cho dù đeo kính dày cỡ mấy. Các bác sĩ nói rằng thần kinh thị giác của Salas đã hỏng và họ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân giúp cậu bé nhìn thấy ánh sáng. 

2. Thực ra, Salas không bị mù hoàn toàn, thế giới xung quanh của cậu không phải là một màu tối đen. Salas vẫn có thể lờ mờ phân biệt được màu sác, hình ảnh nếu nhìn những vật thể lớn được đặt ngay sát mắt mình. Chỉ có điều, với thị lực như vậy thì việc đọc sách, xem tivi cũng trở thành xa xỉ chứ nói gì đến chuyện leo núi.

Rồi vào một ngày đẹp trời cách đây 3 năm, một người bạn cũ có tên Beau Johnson đến thăm Salas. Johnson cảm thấy rất xót xa khi người bạn cũ ngày nào giờ đang sống mò mẫm trong phòng tối và gắng “dán” mắt lên chiếc màn hình 27 inch đặt ngay sát mũi để nhận dạng hình ảnh lờ mờ trên đó. Điều đáng thương hơn cả là Salas khi ấy đã mất tất cả sự vui vẻ, lạc quan và nói rằng mình không biết chờ đợi điều gì ở phía trước. Thậm chí, Salas còn nói đã nhiều lần nảy ra ý định tự sát và chỉ gắng sống để cho cha mẹ khỏi buồn mà thôi.

Johnson quyết định kéo Salas lại cuộc sống đầy lạc quan bằng cách rủ rê bạn ra ngoài đi đạp xe dã ngoại. Salas lúc đầu tỏ ra tự ti nhưng rốt cuộc cũng chiều theo sự nhiệt tình của người bạn. Những người bạn cũ đã rất vui mừng giúp đỡ Salas trở lại với “ngựa sắt”. Họ mở đường, hộ tống và đặc biệt là cổ vũ để Salas từ nhút nhát trở thành người tự tin. Dù không nhìn thấy gì khi đạp xe nhưng cảm giác nhanh chậm lúc nhấn bàn đạp, nghe tiếng gió cũng là điều tuyệt vời với chàng trai từng giam cầm mình trong phòng suốt thời gian dài. 

3. Đạp xe vẫn là chưa đủ. Những người bạn tuyệt vời của Salas còn giúp anh tập leo núi. Đó là một hoạt động mạo hiểm vì đi xe đạp có ngã cũng chỉ trầy da chứ leo núi thì rắc rối hơn. Ban đầu, họ cho Salas tập ở những đoạn vách núi thấp và dễ đi. Sau đó, độ cao nâng dần và những chinh phục mới đã mang lại cho Salas niềm đam mê, khát khao mới. Anh biến thành một con người hoàn toàn khác, không hề biết buồn bã bi quan mà hết sức vui vẻ, lạc quan, không biết đầu hàng nghịch cảnh.

Chinh phục các vách núi

Làm thế nào để Salas chinh phục các vách núi? Ban đầu, bạn bè chính là “tai mắt” của Salas. Họ luôn đi sau tận tình hướng dẫn anh nên với tay theo hướng nào, góc nào để tìm đường dễ đi nhất. Về sau, bạn bè chỉ cần nói qua cho Salas vách núi phía trước thế nào, có nguy hiểm nào cần chú ý là anh có thể tự thực hiện công việc.

Gần đây, Salas còn kết hợp việc chụp ảnh khi leo núi. Mỗi lần chinh phục xong 1 đỉnh cao thì anh sẽ dùng máy ảnh thu lại cảnh vật. Dẫu mắt đã hỏng nhưng anh có thể “nhìn” thông qua cảm giác cơ thể. Salas dựa vào cảm giác để biết mặt trời đang chiếu hướng nào, gió thổi từ hướng nào và anh còn hét to để nghe âm thanh vang lại rồi xác định khoảng trống không gian. Sau đó, chàng trai 22 tuổi này về nhà phóng ảnh lên chiếc màn hình 27 inch rồi lại dí sát mắt vào để cảm nhận vẻ đẹp khung cảnh lờ mờ mà anh đã chụp.

Salas tìm thấy niềm vui sống khi chụp ảnh

Khi ấy, cha mẹ Salas thường đứng bên cạnh tả lại cho con trai khung cảnh của tấm hình bằng giọng nói đầy xúc động. Những lúc như vậy, khuôn mặt của Salas trở nên rạng rỡ. Những tấm ảnh đã không chỉ giúp anh hồi sinh mà còn mang lại nụ cười trên đôi môi cha mẹ của anh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn