Phút chạnh lòng của giáo viên môn phụ với... mẹ chồng

21:36 | 18/11/2016;
"Cứ đến dịp 20/11, tôi lại chạnh lòng và cảm thấy ngượng với… mẹ chồng khi bà bảo 'Giáo viên người ta phải như thế chứ…'. Năm nào, nhà tôi cũng chỉ có bó hoa duy nhất do ban phụ huynh tặng".
Giáo viên môn phụ đã quen với cảnh "vắng vẻ lời chúc". (Ảnh minh họa: Internet) 

Chị Dương Thị Hằng, giáo viên môn Sinh của một trường THCS tại Nam Định tâm sự: "Giáo viên môn phụ luôn biết “phận” của mình, luôn đứng sau các môn chính là Toán, Văn, Anh. Thế nên, dịp 20/11, khi các giáo viên môn chính được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm thì giáo viên môn phụ như tôi chỉ biết... “đứng nhìn”. Chuyện này năm nào cũng thế nên lâu dần tôi cảm thấy cũng quen.

Quen với sự chạnh lòng, tủi thân bởi cũng cùng nghề, cùng trường với nhau, cả năm chỉ có một ngày được tôn vinh thì rơi vào cảnh “người ăn không hết, người lần chẳng ra”. Người thì được các phụ huynh, học sinh tấp nập chúc mừng, những người dạy môn phụ “vắng vẻ lời chúc” thì tụm lại nói chuyện phiếm, cũng là để tìm sự đồng cảm.

Gắn bó với nghề, với nhiều giáo viên, hạnh phúc có thể không phải là thứ mình nhận được mà chính là thứ mình đã cho đi (Ảnh minh họa: Internet)

Ở trường, làm việc cùng nhau nên cũng hiểu nhau, và những thầy cô giáo môn phụ đều xác định… "lép vế" trong dịp 20/11. Thế nhưng, ở nhà những ngày này thật không dễ chịu chút nào. Cùng khu phố với nhau, các giáo viên khác thì nhà chất đầy hoa, phụ huynh bấm chuông liên tục, còn nhà mình “im lặng như tờ”. Năm nào cũng chỉ có bó hoa duy nhất ban phụ huynh tặng luôn được tôi mang về nhà cắm trang trọng. Tôi ngại nhất là bắt gặp ánh mắt không mấy thiện cảm của mẹ chồng. Đôi khi, bà còn nói thẳng: "Giáo viên người ta phải như thế chứ…", khiến tôi càng thêm tủi thân, buồn bã.

Cũng may, nỗi buồn đó nhanh chóng trôi qua bởi giáo viên nếu nặng nề những chuyện này sẽ làm mất đi vẻ đẹp của nghề cao quý. Ngày nhà giáo, chỉ một lọ hoa tươi được học sinh cắm ở lớp học cũng khiến tôi cảm thấy niềm vui chộn rộn. Nhưng điều mà tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc nhất là những kiến thức của mình thực sự giúp ích cho học trò.

Trong lúc nhiều phụ huynh ngần ngại, không biết nói chuyện về giới tính với con thế nào thì các trò lại luôn sẵn lòng, cởi mở, chia sẻ với tôi. Dù là môn phụ nhưng nghe học sinh nói: “Chúng con chỉ mong đến tiết học của cô”, "Cô ơi bao cao su có tác dụng gì? Cơ thể em dạo này có nhiều thay đổi"… khiến tôi thực sự hạnh phúc.

"Hạnh phúc, có thể không phải là thứ mình nhận được mà chính là thứ mình đã cho đi" - suy nghĩ này giúp cho tôi luôn cảm thấy mình được tôn vinh suốt cả năm học".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn