Pu Si Lung ngạo nghễ nơi cuối trời Tây Bắc, thuộc xã Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu) là đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam với 3083m (sau Fansipan cao 3143m và Pu Ta Leng cao 3096m), nhưng lại là nơi khó đi nhất, xa nhất và khó chinh phục nhất.
Con dốc đá dựng đứng dẫn lên bản Sín Chải A là hành trình đầu tiên mà bất cứ một ai muốn chinh phục Pu Si Lung cũng phải vượt qua. Không ít người đã suýt bỏ mạng vì con đường quá hung hiểm này. Bất cứ một ai muốn được một lần đặt chân lên đỉnh núi được coi là “nóc nhà biên giới” này cũng phải trải qua cung đường vô cùng gian nan.
Đỉnh núi Pu Si Lung thuộc địa phận xã Pa Vệ Sủ.
Đây là nơi sinh sống của người dân tộc La Hủ (1 trong 4 dân tộc ít người nằm trong danh mục bảo tồn và phát triển của nhà nước). Pa Vệ Sử theo tiếng của người La Hủ có nghĩa là gốc cây 8 người ôm. Nơi này rừng già còn ngút ngàn, với những dãy núi cao trùng trùng, điệp điệp chạy dài ngút tầm mắt. Đây là địa điểm lý tưởng để cho những ai thích khám phá, chinh phục.
Được một lần đặt chân trên đỉnh núi Pu Si Lung ở xã Pa Vệ Sử luôn là địa điểm ao ước, mong muốn cháy bỏng của dân “phượt”. Bản thân những người làm báo chúng tôi cũng vậy, ai cũng có khát khao cháy bỏng được đứng trên đỉnh núi này ngắm mây bay giữa bốn bề lộng gió. Tựa như một cái duyên, tôi và nhà báo Phạm Ngọc Dương (báo điện tử VTC), nhà báo Dư Khánh Kiên (báo Lai Châu) cùng 5 “phượt” thủ khác đã cùng nhau lên kế hoạch chinh phục Pu Si Lung. Trong số 5 phượt thủ thì cả 5 người đã từng leo Fansipan, riêng 2 thanh niên trẻ là Nguyễn Văn Chung và Lù Văn Hạnh (người dân tộc Giáy) đã có vinh dự được đứng trên 4 đỉnh núi cao nhất đất Tây Bắc là Pu Ta Leng, Bạch Mộc Nương Tử, Tây Côn Lĩnh (cao gần 3000m) và Fansipan.
Hành trình chinh phục Pu Si Lung bắt đầu từ đồn biên phòng Pa Vệ Sủ. Từ đồn lên bản Sín Chải A có thể đi xe máy được. Vượt qua chiếc cầu treo bắc qua con suối Nậm Xừ Lường là bắt đầu hành trình vượt dốc.
Trước lúc lên đường, đoàn đã chuẩn bị đầy đủ lều bạt, thức ăn, thuốc men, đồ uống… Nhìn vào đoàn hùng hậu và đầy kinh nghiệm leo núi như thế, ai cũng tự tin với quyết tâm cháy bỏng sẽ sớm leo lên Pu Si Lung. Sau 1 ngày dài chạy xe từ thành phố Lai Châu vào đến đồn biên phòng Pa Vệ Sử trời đã tối mịt. Các chiến sĩ trong đồn đón đoàn rất thân tình. Khi biết chúng tôi mong muốn được đặt chân lên Pu Si Lung ai cũng nhiệt thành ủng hộ. Bản thân các chiến sĩ biên phòng có sức khỏe deo dai, bước chân đi mòn đá núi, nhưng khi nói về việc leo Pu Si Lung vẫn không khỏi rùng mình.
Đường đến đỉnh núi cao thứ 3 nước Việt vô cùng dài, nhiều dốc cao dựng đứng, suối sâu với hành trình vượt rừng rất gian nan. Trung tá Lương Xuân Hà, Đồn trưởng đồn Pa Vệ Sử chia sẻ, không riêng gì các anh, rất nhiều con dân nước Việt đã từng đến đồn để làm thủ tục vào vùng biên giới leo Pu Si Lung. Đoàn nào đến cũng “trống rong cờ mở”, khí thế quyết tâm cao ngút trời và bằng mọi giá phải lên được Pu Si Lung. Tuy nhiên, số người chinh phục được Pu Si Lung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến giờ mới chỉ có vài đoàn là đặt chân được đến đỉnh núi Pu Si Lung.
Con đường dẫn lên bản Sín Chải A đã bị nước mưa tàn phá. Đường bị chia cắt nham nhở với những con dốc cao rợn người.
Có những đoạn đường chạy qua ngọn núi cát. Trời động mưa là cát từ trong núi trôi tuột xuống vực. Đường xá bị chia cắt nghiêm trọng.
Cửa ải đầu tiên chinh phục Pu Si Lung khiến các thành viên trong đoàn toát mồ hôi. Nhà báo Phạm Ngọc Dương (trong hình), báo điện tử VTC, người cũng đã từng đi khắp dãy Hoàng Liên Sơn thừa nhận, chặng đường leo Pu Si Lung quả là hành trình vô cùng gian nan.
Sau cả buổi sáng, chúng tôi mới đến được bản Sín Chải A. Đây là những công dân đầu tiên của người La Hủ mà chúng tôi gặp.