Pumpkin Spice (gia vị bí ngô) không chỉ ngon mà còn thân thiện với calo. Chỉ với 5,81 calo trong khẩu phần 1 thìa cà phê. Điều này khiến gia vị bí ngô trở thành sự lựa chọn tuyệt vời để thêm hương vị cho thực phẩm và đồ uống của bạn mà không bổ sung quá nhiều calo.
Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của Pumpkin Spice (gia vị bí ngô) mà bạn có thể tham khảo:
Như đã nói ở trên, Pumpkin Spice bao gồm nhiều loại gia vị như quế, đinh hương, gừng, nhục đậu khấu, hạt tiêu,... hoặc các loại hạt khác. Những loại gia vị này cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng như một lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ stress oxy hóa của các gốc tự do.
Nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng oxy hóa mãn tính có thể góp phần gây ra nhiều loại bệnh, bao gồm ung thư và bệnh tim đồng thời đẩy nhanh tác động của lão hóa. Điều thú vị là, gia vị không chỉ làm tăng hương vị, mùi thơm và màu sắc của thực phẩm và đồ uống mà khi được kết hợp vào chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, chúng còn có khả năng bảo vệ khỏi bệnh tật nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa vượt trội.
Hơn nữa, theo Health, hoạt tính chống oxy hóa trong các loại thảo mộc và gia vị cao gấp 10 lần so với trái cây và rau quả. Nên gia vị bí ngô đặc biệt đem đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà bạn nên thêm vào các món ăn mùa thu của mình.
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh và kích thích có hại. Viêm cấp tính là một phản ứng ngắn hạn còn viêm mãn tính là tình trạng viêm kéo dài có liên quan tới sự phát triển của nhiều bệnh mãn tính bao gồm viêm khớp, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và rối loạn thoái hóa thần kinh.
Theo nghiên cứu, các loại gia vị được sử dụng trong gia vị bí ngô có đặc tính chống viêm, cụ thể là gừng, đinh hương và quế. Chẳng hạn như các hợp chất như 6-Gingerol, eugenol và cinnamaldehyde lần lượt được tìm thấy trong gừng, đinh hương và quế có liên quan tới khả năng làm chậm các phản ứng viêm cụ thể.
Tuy vậy thì các nghiên cứu về đặc tính chống viêm của gia vị bí ngô cần có thêm nhiều số liệu và bằng chứng trên quần thể lớn hơn trước khi kết luận đánh giá đầy đủ về lợi ích này.
Có khoảng 80 loại gia vị có chứa polyphenol - các hợp chất được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật có tác dụng có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả khả năng cân bằng lượng đường trong máu.
Quế, gừng, nhục đậu khấu và đinh hương là một trong những loại gia vị được đánh giá về tiềm năng sử dụng trong việc kiểm soát đường máu ở bệnh nhân tiểu đường, theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ và Học viện Dinh dưỡng và ăn kiêng.
Mùa thu đến kèm theo nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ gia tăng do sự chênh lệch thất thường của nhiệt độ và độ ẩm.
Bệnh tim mạch (CVD) bao gồm các tình trạng như đột quỵ và bệnh động mạch vành. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh được đặc trưng bởi chứng xơ vữa động mạch, xảy ra khi thành mạch bị tích tụ chất béo và bị viêm mãn tính. Xơ vữa động mạch bắt đầu khi các tế bào lót động mạch bị tổn thương cùng với cholesterol xấu bị oxy hóa bám dính vào thành trong của động mạch.
Theo Health, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng bệnh CVD dường như ít phổ biến hơn ở những khu vực trên thế giới sử dụng nhiều gia vị hơn trong nấu ăn. Và mặc dù có thể có nhiều yếu tố góp phần vào việc này nhưng điều này đã mở ra gợi ý về khả năng bảo vệ tim mạch của một số loại gia vị nhờ đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của chúng.
Đáng chú ý trong đó chính là các hợp chất trong quế và gừng có tác dụng ức chế bệnh xơ vữa động mạch và những bất thường liên quan tới máu nhiễm mỡ. Nhưng nhìn chung vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi kết luận về tác dụng của gia vị bí ngô nói chung với bệnh tim mạch.
Các loại gia vị trong gia vị bí ngô có một lịch sử y học cổ truyền phong phú về tác dụng liên quan tới sức khỏe đường tiêu hóa, bao gồm cả bệnh đường tiêu hóa. Trong số đó, hạt tiêu và đinh hương đã được sử dụng như một phương thuốc cổ xưa cho chứng khó tiêu.
Ngoài ra, theo một vài nghiên cứu lâm sàng thì gừng có tác dụng trong điều trị chứng buồn nôn và giảm triệu chứng khó chịu do nôn mửa cũng như các hiệu quả tiềm năng trong giảm bớt chứng buồn nôn và nôn nhẹ ở phụ nữ mang thai.
Khi sử dụng ở một mức độ vừa phải, gia vị bí ngô được xem như loại gia vị có tính an toàn. Tuy nhiên thì bạn cần thận trọng với các thành phần cụ thể trong đó, chẳng hạn như gừng - có thể gây các tác dụng phụ khó chịu ở bụng như ợ chua, kích ứng miệng và cổ họng nếu tiêu thụ quá nhiều.
Hoặc một lượng lớn quế khi mang thai có thể khiến phụ nữ mang thai gặp một vài rủi ro tiềm ẩn. Hàm lượng coumarin trong quế khi dùng với lượng lớn có thể gây hại cho gan nên nếu bạn đang mang thai hay đang mắc bệnh gan đều nên thận trọng.
Nhiều công thức nấu ăn có thể sử dụng gia vị bí ngô ngoài đồ uống như latte hay bánh nướng bí ngô, chẳng hạn như:
- Sử dụng gia vị bí ngô vào bữa sáng cho các món yến mạch, ngũ cốc, sữa chua, bánh mì nướng, bánh crep, bánh quế hoặc một chút cho tách trà hay sữa
- Sinh tố với sữa, trái cây và các loại hạt
- Rắc gia vị bí ngô vào các món ăn nhẹ như bỏng ngô, granola hay các loại hạt khác
- Sử dụng làm gia vị cho món salad rau xanh trộn với bí đỏ hay quả hồ đào cùng một chút dầu ô liu, giấm và một chút mật ong,...
Nhìn chung, việc kết hợp gia vị bí ngô vào chế độ ăn uống của bạn không chỉ kích thích vị giác với hương vị ấm áp và dễ chịu cho mùa thu mà còn mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe khác. Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ nếu bạn có bất kì băn khoăn về các thành phần của gia vị bí ngô có liên quan tới dị ứng
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn