Qua sinh nhật lần thứ 4 mới nên cho trẻ tập bơi

09:50 | 30/06/2017;
Với mong muốn giúp trẻ phòng tránh đuối nước, một số phụ huynh đã cho bé đi tập bơi ngay từ khi còn bé. Tuy nhiên, không phải độ tuổi nào tập bơi cũng tốt, thậm chí nếu học bơi quá sớm hoặc bơi không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
 Đuối nước là một trong 5 nguyên nhân thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối, cao thứ 2 trên thế giới. Đặc biệt, mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng do trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè. Vì vậy, nhiều gia đình đã chủ động cho con đi học bơi ngay từ nhỏ để hạn chế tai nạn.

Chị Nguyễn Thị Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bé đầu của gia đình đã được gần 4 tuổi. Gần đây, chị theo dõi các phương tiện truyền thông thấy nhiều trẻ bị đuối nước. Chị và mấy chị em khác cũng lo lắm, bởi tai nạn chẳng nói trước được với ai. Vì vậy, với mong muốn phòng tránh đuối nước con, cách đây 2 tuần, chị đã đăng ký cho bé một lớp học bơi tại trung tâm thể thao gần nhà. “Chúng tôi rất lo lắng cho con nên phải cho bé học bơi từ bây giờ. Sau vài buổi, tôi cũng thấy bé có bước tiến bộ rõ rệt”, chị Hà nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc (khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Đa khoa Xanh Pôn) nguyên tắc giáo dục của các nước phát triển là nhà trường phải dạy cho trẻ bơi thật tốt. Người ta yêu cầu học sinh tập bơi trước khi tập các môn khác. Ở Việt Nam, học sinh được học bóng đá, bóng bàn, cầu lông... nhưng bơi thì không được học, nên chết đuối khá nhiều. Vì thế, gần đây nhiều phụ huynh đã chủ động cho con đi học bơi ngay từ khi còn rất sớm. Thậm chí, trẻ mới 2-3 tuổi đã được đi học bơi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia rằng không phải bất cứ độ tuổi nào học bơi cũng tốt, nhất là với những trẻ nhỏ. Vậy độ tuổi nào là phù hợp nhất để trẻ học bơi và giám sát như thế nào là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.
Về vấn đề này, bác sĩ Phúc phân tích: 

Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, một ngụm nước có thể đủ pha loãng các hóa chất vào máu, làm cho trẻ buồn ngủ, buồn nôn, co giật. Nếu uống nhiều, có thể ngộ độc, thậm chí tử vong nên chỉ sơ sểnh một chút là phải trả giá bằng mạng sống của con. Vì vậy, ở lứa tuổi này, phụ huynh chỉ đơn giản là giới thiệu con mình với nước. Phụ huynh có thể cho trẻ chơi trong hồ bơi với mình hoặc tham gia lớp học về vui chơi, để bé cảm thấy thoải mái trong nước nhưng hoàn toàn không phải để học bơi. Các hoạt động có thể như ca hát bài hát trong nước, nhảy múa, và chơi các trò chơi nhẹ nhàng với nhau. Khi bé chơi dưới nước, phụ huynh cần giữ trẻ cẩn thận trong vòng tay, không được rời bất cứ lúc nào.

Từ 2 đến 3 tuổi

Ở độ tuổi này trẻ cũng chưa nên học bơi. Nước có tác dụng kích thích sự tò mò của trẻ, nhưng vẫn phải ở trong vòng tay giữ của người lớn. Ở tuổi này, trẻ thích các trò chơi vui nhộn trong nước, ví dụ như ném bóng. Động tác khó nhất trẻ có thể làm là thổi bong bóng khi úp mặt xuống nước mà không bị uống nước. Phụ huynh cần lưu ý không bao giờ được để trẻ một mình, dù chỉ là 1 phút. Luôn có sự giám sát chặt chẽ của người lớn

Từ 4 đến 5 tuổi

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, các bậc phụ huynh chỉ nên cho con tập bơi khi đã qua sinh nhật lần thứ 4. Sau sinh nhật lần thứ 4, trẻ đã phát triển để có thể học bơi. Những bài học phù hợp như dạy trẻ tự nổi, dạy trẻ ngâm đầu dưới nước từ 5 - 10 giây. Trẻ có thể tự đứng trong nước mà không cần sự trợ giúp của người lớn. Trẻ có thể tập các động tác lướt trên nước, động tác phối hợp tay chân. Ở độ tuổi này, mặc dù bố mẹ không phải giữ trẻ, nhưng vẫn phải giám sát con chặt chẽ. Ở tuổi này, bố mẹ vẫn không được phép dời trẻ; không nhờ người khác giám sát, ngay cả người giám sát chuyên nghiệp ở bể bơi.
Trẻ học bơi cần có sự giám sát của phụ huynh

 Từ 6 tuổi trở lên

Ở độ tuổi này trẻ có thể giữ hơi thở của mình trong thời gian lâu, có thể bơi trong nước, có thể nhảy xuống nước rồi nổi lên, có thể hoàn thiện các động tác bơi khó. Lưu ý tuổi này, bố mẹ không phải hỗ trợ con nhưng vẫn phải giám sát trẻ chặt chẽ, vì trẻ quá tự tin với khả năng của mình nên hay có những hành động dại dột vượt khả năng.

Lưu ý dạy trẻ những kĩ năng bơi lội, đặc biệt là phải để trẻ hiểu ngay cả người lớn bơi giỏi cũng có thể chết đuối. Dạy cho trẻ tập lặn. Chú ý cẩn thận khi trẻ ra sông hồ và biển, phải giám sát rất chặt chẽ.

Cũng theo bác sĩ Phúc, trẻ tiếp xúc nước và chơi đùa trong nước khác với tập bơi. Phân biệt 2 khái niệm này khác nhau. Với những trẻ dưới 5 tuổi, chưa ý thức tốt, nên dễ hít phải nước vào đường hô hấp. Hơn nữa, trẻ dưới 5 tuổi có đặc điểm phổi chưa hoàn thiện, các phế quản và phế nang thông nhau bởi lỗ Kohn và ống Lambert chưa hoàn thiện, tổn thương rất dễ lan tỏa thông thương nhau. Bạn có thể cho trẻ chơi đùa vui vẻ với nơi nước nông với sự quản lí chặt chẽ nhưng không nên cho trẻ tập bơi ở độ tuổi sớm quá!

Đặc biệt, ở các bể bơi, quan sát sẽ thấy các thầy cầm gậy đẩy các cháu ra làm các cháu sặc nước không ít. Bố mẹ ném con xuống nuớc, đấy, đánh con, dọa con, bắt phải bơi là cực kì nguy hiểm. Vì thế mà các thầy dạy bơi, các bậc phụ huynh hãy kiên trì hơn với các bé nhát nước. Phụ huynh hoặc thầy giáo dạy bơi nên để cho trẻ chơi, bơi ở chỗ nông cũng không sao. Sau này, bé dũng cảm ra bể sâu cũng chưa muộn bởi với nước phải hết sức cẩn thận, không thể chủ quan.
 
Những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội:
Trẻ mắc bệnh hen phế quản: còn gọi là suyễn, khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Trẻ bị viêm da dị ứng: hoá chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn