Du lịch như… hành xác
"Cháy" phòng khách sạn, homestay đến nỗi nhiều gia đình phải ra công viên dựng lều, cắm trại; nhiều đoàn xe nối đuôi nhau trong tình cảnh đi tiếp không được, quay về không xong; sân bay kẹt cứng người chờ đón taxi; điểm tham quan du lịch trở thành những "biển người" chen chúc… Những tình cảnh này đã trở thành điệp khúc lặp đi lặp lại từ nhiều năm qua vào mỗi kỳ nghỉ lễ dài.
Chị Minh Tâm (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại chuyến du lịch đến đảo Cát Bà (Hải Phòng) của gia đình mình dịp 30/4 cách đây 3 năm. Khi ấy, du khách đã phải nhích từng bước trên quãng đường khoảng 5km từ chân cầu Tân Vũ đến bến Phà Gót do tắc nghẽn giao thông, chật kín người và xe. "Lúc ấy, chúng tôi chỉ còn khoảng 1km nữa là đến điểm dừng, vậy mà phải xuống ô tô, bỏ ra 100 ngàn đồng cho 2 chiếc xe ôm để di chuyển quãng đường 1km. Đã vậy, bãi tắm chật như nêm, tắm biển mà như tra tấn, ngắm cảnh phải nhích từng bước chân. Từ đó, gia đình tôi "cạch" luôn đi du lịch vào dịp nghỉ lễ vì cảm thấy đi du lịch mà cứ như… hành xác vậy", chị Tâm chia sẻ.
Năm nay, 10 ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4, nhiều địa phương đã công bố số lượng khách dự kiến, cảnh báo người đi du lịch đối mặt với cảnh đông đúc, tắc đường, giá cả tăng cao. Đơn cử hai "điểm nóng" du lịch là Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo đó, Đà Lạt dự kiến đón 180.000 lượt du khách trong kỳ nghỉ 30/4 năm nay và Tuần du lịch vàng (từ ngày 24 đến ngày 30/4). Số lượng khách tăng 135% so với cùng kỳ năm ngoái và 160% so với đợt Tết Âm lịch. Hiện khách lưu trú đặt phòng đạt gần 140.000 lượt. Với số lượng dự kiến, trung bình các khách sạn tại thành phố kín hơn 90% công suất, các khách sạn 3 "sao" trở lên đạt 100% trong tuần tới. Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt khuyến cáo du khách cần đặt phòng trước để chuyến đi diễn ra suôn sẻ, tránh tình trạng lang thang tìm phòng hoặc ngủ ngoài đường như các kỳ nghỉ trước. Đồng thời, vào dịp cao điểm, nhiều người lợi dụng việc không tìm được phòng để lừa tiền. Vì vậy, du khách cần đặt phòng qua các nền tảng uy tín hoặc trực tiếp với khách sạn.
Với lượng người tăng đột biến trong vài ngày, du khách có thể đối mặt với cảnh tắc nghẽn trên đèo Bảo Lộc, các điểm tham quan, quán ăn. Vì vậy, giải pháp là lựa chọn các khung giờ khác nhau để di chuyển về thành phố hoặc du lịch sớm, muộn hơn một ngày, chẳng hạn như vào ngày 29/4 hay ngày 2-3/5.
Tương tự tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Du lịch địa phương cho biết, lượng du khách dịp nghỉ lễ 30/4 sẽ vượt con số 160.000 lượt trong dịp giỗ Tổ. Sở đã gửi văn bản tới các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị phục vụ khách du lịch, khuyến cáo du khách đặt phòng trước để đảm bảo có nơi nghỉ và không chịu giá kịch trần. Ngoài ra, Sở cũng có kế hoạch kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm hồ sơ, giấy tờ, cơ sở vật chất, đảm bảo quy định về an toàn môi trường, thực phẩm, chữa cháy, tránh hiện tượng "chặt chém"…
Làm gì để du lịch bớt nhọc nhằn?
Anh Hồ Tuấn Hoàng, một hướng dẫn viên du lịch với nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, tình trạng quá tải có thể giải quyết được nếu có sự tham gia của các địa phương. Chẳng hạn, nhà chức trách có thể đưa ra giới hạn về số lượt khách đến tham quan địa phương trong những dịp cao điểm. Từ đó, phân bổ số lượng về cho các hãng lữ hành, các nhà nghỉ, khách sạn… để điều phối, như vậy sẽ giúp điều tiết được lượng du khách và các công ty du lịch cũng chủ động trong việc sắp xếp đưa khách đến.
Chị Trương Thu Thuỷ, Giám đốc công ty lữ hành Tre Việt, cho rằng, việc đa dạng các sản phẩm và phát triển thêm nhiều hoạt động để tăng lựa chọn cho du khách sẽ là cách giúp giảm tải cho các điểm tham quan, du lịch đang là "điểm nóng". Việc này cần sự đổi mới từ các công ty lữ hành cũng như các địa phương. Chị Thuỷ dẫn chứng: "Nghiên cứu mới đây của Booking.com cho thấy, có gần 50% du khách ngại đi du lịch vào lúc cao điểm và có xu hướng chọn những điểm ít phổ biến hoặc vắng người. Tuy nhiên, phần lớn khách vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm những điểm mới do thiếu thông tin hay tư vấn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn