Không phải cứ hễ bị quai bị là sẽ bị vô sinh (Ảnh minh họa) |
Đó là một cậu bạn sinh viên khôi ngô trắng trẻo. Cậu tới phòng khám của tôi với tâm trạng lo sợ mất hết cả bình tĩnh. Mà không phải khi đó cậu đang bệnh. Căn bệnh của cậu đã diễn ra từ… 2 năm trước lận! Chắc giờ nghe người nào nói nên cậu quắn hết cả lên.
P.T.H mắc quai bị. “Nhưng bởi vì em đang là sinh viên, hàng ngày phải đến trường nên không kiêng được gió”, H nói. Vừa rồi H bị cứng hàm bên phải nên không há miệng được bình thường. Lo sợ việc cứng hàm có nguồn căn từ quai bị nên H tất tả từ trường chạy tới phòng khám. Và vì “nghe nói” mắc quai bị mà ra gió sẽ vô sinh nên giờ H tới khám với tâm trạng vật vờ như đã mắc vô sinh rồi vậy!
Tôi phải khẳng định ngay, sưng hàm chưa chắc là quai bị. Nó có thể là triệu chứng của viêm mủ chân răng, viêm hạch dưới hàm. Đúng nghĩa, quai bị là viêm tuyến mang tai do 1 loại virus đặc hiệu.
Kế đến, không phải cứ hễ bị quai bị là sẽ bị vô sinh. Nếu quai bị xảy ra trước tuổi dậy thì, thì không sao cả. Bệnh nhân bị quai bị sau 11-12 tuổi thì cũng chỉ có dưới 10% bị viêm teo tinh hoàn 2 bên (điều này mới thật sự dẫn đến vô sinh). Khoảng 30% bệnh nhân bị viêm teo tinh hoàn 1 bên, nhưng nếu tinh hoàn bên kia tốt, bệnh nhân vẫn sinh con đều đều. Tinh hoàn bị viêm do quai bị có thể hết viêm đau thì bình thường trở lại, cũng có thể bị teo. Nếu tinh hoàn bị teo cả 2 bên (thăm khám của bác sĩ cho thấy tinh hoàn nhỏ như hạt chôm chôm) thì thực sự là mối lo. Khi đó, chỉ có cách thử tinh dịch đồ, mới có biết vô sinh thật sự hay không. Việc gió máy chẳng liên quan gì đến vô sinh, bất biết là có đang bị hay không.
Cần chủng ngừa
Một thanh niên khoẻ mạnh, nếu chưa chủng ngừa quai bị thì nên đi chủng ngừa. Gặp người bị quai bị thì tránh đứng gần hoặc nói chuyện trực tiếp. Nếu lỡ bị quai bị rồi thì nên ở nhà, đeo khẩu trang và tránh xa người khác để khỏi lây bệnh cho những người chung quanh. Đây là 1 hành động văn minh, có hiểu biết, không phải vì kiêng cữ do gió máy. Còn nếu như bỗng nhiên bị quai bị, thì chắc chỉ có “cầu trời” cho nó đừng “chạy” từ trên hàm xuống 2 tinh hoàn! Và chẳng may 2 tinh hoàn bị sưng luôn thì việc nên làm là đem tinh trùng đi gởi ngân hàng trữ lạnh. Sau này, chắc chắn sẽ “có việc” được dùng tới.
Hiện nay, đã có thuốc chủng ngừa để không bị quai bị chứ chưa có thuốc nào để ngăn quai bị không “chạy” từ trên xuống… dưới. Và tiếc rằng, cũng chưa có thuốc nào để ngăn được tinh hoàn lỡ sưng rồi thì không bị teo.
Khoa học chưa rõ lý do gì mà có người bị quai bị thì virus chạy xuống tinh hoàn, có người lại không. Cũng phải nói thêm, ngoài tinh hoàn, virus quai bị sẽ có thể di chuyển tới tuyến tụy (gây viêm tụy), màng não (gây viêm màng não).
Cậu sinh viên đẹp trai bị cứng hàm, là do cơ hàm co rút, nên tới nha sĩ để khám ngay là cách khôn ngoan. Đừng lo sợ vô sinh làm gì!
Lời khuyên của bác sĩ: Đôi khi những lời đồn thổi trong thiên hạ đáng sợ đến mức, có thể khiến 1 người lạc quan thành người bi quan. Đặc biệt trong lĩnh vực y khoa, những “nghe nói” sẽ dẫn đến những tai hoạ báo trước. Căn bệnh quai bị là 1 trong những căn bệnh bị đồn thổi khá nhiều, do vậy bạn cần tỉnh táo. Những ai mắc chứng quai bị rồi sẽ không bị mắc lại nữa. Và đôi khi, ở đời, yếu vẫn có thể… ra gió! |