Tương tự như quai bị ở trẻ em, quai bị ở người lớn cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Đặc biệt, quai bị được biết là bệnh dễ mắc ở trẻ em, tuy nhiên quai bị vẫn có nguy cơ xảy ra ở người lớn. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nếu gặp phải tình trạng mắc quai bị ở người lớn xảy ra.
Khi nhiễm virus, quai bị ở người lớn có những triệu chứng sau:
- Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, đau nhức cơ.
- Sốt cao, nhức đầu, đau tai hoặc đau hàm.
- Sau khi sốt từ 1-3 ngày, tuyến nước bọt đau nhức, sưng to, má phồng lên, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên. Điều này khiến cho khuôn mặt của người bệnh bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt.
- Cảm giác chán ăn, đau khi người bệnh nhai hoặc nuốt thức ăn.
- Nam giới khi bị quai bị sẽ bị đau ở một hoặc hai bên tinh hoàn.
Một trong những cách phòng ngừa bệnh quai bị ở người lớn tốt nhất, hiệu quả nhất chính là tiêm vắc xin phòng bệnh. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng ngừa bệnh quai bị MMR để giúp miễn dịch với bệnh quai bị, sởi và rubella.
Khi tiêm vắc xin MMR, cần lưu ý rằng vắc xin này không được dùng cho phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang có kế hoạch mang thai trong 1-2 tháng tiếp theo kể từ ngày tiêm. Ngoài ra, những đối tượng sinh trước năm 1957 có thể đã tiếp xúc với virus quai bị và có thể cơ thể đã có miễn dịch tự nhiên với bệnh. Tuy nhiên, để biết chính xác nhất, bạn vẫn cần tiến hành xét nghiệm để xem mình đã có kháng thể quai bị hay chưa.
Cách phòng ngừa bệnh quai bị ở người lớn tiếp theo chính là chủ động ngăn chặn sự lây lan của virus quai bị. Theo các nghiên cứu, virus quai bị có khả năng lây lan mạnh trong vòng 6 ngày sau khi cơ thể người bệnh xuất hiện các triệu chứng bệnh. Vì thế, trong thời gian này, những người mắc bệnh quai bị cần phải được cách ly để không lây lan bệnh ra cộng đồng.
Ngoài ra, để phòng ngừa sự lây lan của bệnh quai bị, bệnh nhân khi ho hoặc hắt hơi phải dùng tay che miệng hoặc đeo khẩu trang. Sau đó, người bệnh phải rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Khi trong gia đình có thành viên mắc quai bị cần sát khuẩn các vật dụng trong nhà một cách thường xuyên.
Đọc thêm bài viết: Giải đáp 4 câu hỏi thường gặp về bệnh quai bị không phải ai cũng biết.
Hiện nay, bệnh quai bị ở người lớn cũng như trẻ em chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.
Theo đó, đối với bệnh quai bị ở người lớn, chúng ta hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Bệnh quai bị thường khỏi trong vòng từ 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, dù điều trị tại nhà, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn chi tiết của bác sĩ. Cụ thể, khi bệnh nhân mắc quai bị là người lớn, cần chăm sóc như sau:
- Uống thuốc đúng cữ, đúng liều để nhanh chóng hồi phục, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
- Hạn chế vận động tối đa.
- Nghỉ ngơi trên giường cho đến khi hết sốt để hạn chế vi khuẩn phát tán, lây lan trong không gian sống của gia đình.
- Người bệnh cần được cách ly hoặc giữ khoảng cách an toàn với các thành viên khác trong gia đình để ngăn chặn sự lây lan virus quai bị.
- Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cần thực hiện chế độ ăn lỏng, mềm, dễ nuốt, bổ sung đa dạng các loại rau xanh. Tuyệt đối tránh những thực phẩm có vị chua, cay, nóng.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân mắc quai bị.
- Uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng có tính sát khuẩn cao.
- Không được tùy tiện dụng các loại thuốc bôi, thuốc đắp thảo dược lên vùng tổn thương để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn