"Better with Music" được thành lập với sứ mệnh trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Quán tổ chức các buổi học miễn phí, bao gồm hỗ trợ sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục. Bắt đầu như một dự án kinh doanh vào năm 2023, thành công và tác động của "Better with Music" đã giúp quán nhận được nguồn tài trợ từ Quỹ Cộng đồng Xổ số Quốc gia và Quỹ Cộng đồng Wiltshire. Khoản tài trợ này đảm bảo quán có thể hoạt động liên tục trong 12 tháng tới.
Luiza Moir, 57 tuổi, nhà trị liệu âm nhạc và người sáng lập "Better with Music", đã tổ chức các buổi học trực tiếp vào thứ Năm hằng tuần, từ 14 giờ đến 18 giờ tại Baker's Cafe vào năm ngoái. Các buổi học cung cấp không gian an toàn và thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái từng trải qua bạo lực gia đình. Và quan trọng hơn, đây là nơi các cá nhân có thể cảm thấy được tin tưởng, được lắng nghe và khuyến khích thảo luận những chủ đề mà họ chưa tự tin nói ra. Nỗi sợ thường ngăn cản nạn nhân của bạo lực gia đình nói ra những điều họ từng trải qua và âm nhạc có thể là điểm khởi đầu hiệu quả để giao tiếp với họ.
Theo Moir, âm nhạc dẫn đến con đường biểu đạt độc đáo, cho phép các cá nhân truyền đạt cảm xúc và trải nghiệm của mình theo những cách mà giao tiếp bằng lời nói không làm được. Âm nhạc cũng cung cấp phương tiện để mọi người có thể thể hiện bản thân một cách thoải mái hơn, thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình thông qua giai điệu và nhịp điệu. "Đây là nơi để mọi người nói những điều mà có lẽ họ ngại nói ra. Không phải ai cũng có thể nói về những điều khó khăn còn âm nhạc là một phương tiện gợi lên sự cảm thông. Bạn có thể nói chuyện qua âm nhạc, bạn có thể thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình dễ dàng hơn nhiều so với việc chỉ nói về nó", Moir nói.
Bản thân từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, Moir hiểu những nỗi đau và thách thức mà người từng trải qua nó phải đối mặt. Năm 1996, ở tuổi 29, bà đã dũng cảm rời bỏ người chồng vũ phu, mang theo cô con gái nhỏ, một chiếc đàn phím và một chiếc vali. Âm nhạc đã trở thành niềm an ủi của Moir trong khoảng thời gian khó khăn đó, khi bà truyền tải nỗi đau và trải nghiệm của mình vào việc sáng tác. Bà nói: "Tôi đã tiếp tục sống và bắt đầu viết những bài hát về nỗi đau của mình, đặt trải nghiệm của mình vào âm nhạc, thứ luôn ở bên tôi và dường như là nơi an toàn nhất cho đến nay".
Ý tưởng về "Better with Music" đã hình thành trong hơn 2 thập kỷ, phát triển từ hành trình chữa lành và khám phá bản thân của Moir. Moir nhận thấy sau mỗi bài hát bà viết về nỗi đau và những đấu tranh tinh thần của mình đều mang đến cho bà cảm giác nhẹ nhõm và mạnh mẽ. Nhận thức này đã thúc đẩy niềm đam mê khám phá tiềm năng chữa lành của âm nhạc, khiến bà theo đuổi bằng thạc sĩ về trị liệu âm nhạc.
Amanda Mathieson cũng có trải nghiệm tương tự. Mặc dù đã rời bỏ người chồng bạo hành gần 3 thập kỷ, bà vẫn tiếp tục phải chịu đựng sự bạo hành tinh thần bởi những tin nhắn của chồng cũ. Chúng như lời nhắc nhở về những tổn thương trong quá khứ, gợi lên cảm giác bất lực và nhốt bà trong ký ức về một tình huống bà từng cảm thấy không thể thoát ra. Quá trình trị liệu bằng cách viết bài hát đã giúp Mathieson vượt qua tổn thương tâm lý. Ban đầu nghi ngờ khả năng của mình, bà đã được Moir khuyến khích áp dụng trải nghiệm của bản thân vào âm nhạc. Bỏ qua sự dè dặt, Mathieson đã có thể thể hiện bản thân thông qua âm nhạc, sử dụng ngôn từ và cảm xúc của mình để sáng tác.
Vài tháng sau, Mathieson đã viết và biểu diễn "29 Years". Thông qua bài hát, bà tìm thấy phương tiện để giải tỏa và thể hiện bản thân, trút bỏ gánh nặng của những tổn thương trong quá khứ và tìm lại câu chuyện của mình. Quá trình hát lên điều đó đã mang lại cho bà cảm giác nhẹ nhõm và được tiếp thêm sức mạnh, giúp bà đối mặt với nỗi đau đã bám lấy mình bấy lâu nay. Bà nói: "Khi bạn hát nốt cuối cùng đó, nó vô cùng nhẹ nhõm, giống như một gánh nặng được trút bỏ khỏi con người tôi. Đó là câu chuyện của tôi, từ ngữ của tôi".
Mathieson hiện làm tình nguyện viên tại "Better with Music" mỗi tuần, phục vụ đồ ăn và đồ uống miễn phí cho những phụ nữ và trẻ em gái khác. Việc tham gia nhóm và trải nghiệm trị liệu bằng âm nhạc đã giúp bà cảm thấy tự tin và hạnh phúc hơn. "Tôi cảm thấy không có ai tạo ra áp lực cho tôi, chỉ trích tôi, lấy đi thứ gì đó của tôi. Tôi cảm thấy được trao quyền, tôi cảm thấy mình là một người phụ nữ mạnh mẽ hơn và tự hào khi nói: Tôi là người vượt qua bạo lực gia đình", Mathieson nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn