Dù vẫn là mức giá 30 nghìn đồng/ly cà phê (hoặc nước chanh tươi), song doanh thu từ cửa hàng cà phê của chị Hương (Khu đô thị Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tăng lên gấp 3 so với ngày thường nhờ lượng khách tăng đột biến. Chị Hương cho biết, từ đầu mùa hè, chị đã sửa chữa, thiết kế lại quán để phù hợp với nhu cầu của khách.
Mặt bằng quán gần 180m2 được chị Hương chia làm 3 không gian khác nhau gồm: khu bàn ngồi ghế salon với những nhóm khách từ 4 đến 6 người, khu bàn cho khách riêng lẻ và số lượng ít hơn, phần còn lại được thiết kế thành tầng lửng và lát sàn gỗ để khách có thể ngồi hoặc nằm để tranh thủ nghỉ ngơi trong thời gian ngắn.
Cũng theo chị Hương, từ đầu mùa hè đến nay, quán chị đã trở thành những coworking-space (văn phòng làm việc chung) “bất đắc dĩ” của khách. Do vị trí nằm giữa trung tâm khu đô thị Định Công, xung quanh lại rất nhiều văn phòng của công ty và ngân hàng làm việc nên quán cà phê trở thành điểm hút khách từ những cơ quan này. Từ 8h sáng, quán bắt đầu đông. Nhưng cao điểm nhất vẫn là từ 11h trở đi.
“Lúc đó, nhiều khách quen muốn có chỗ ngồi còn phải gọi điện đặt bàn trước. Khách vào quán cà phê chủ yếu là vừa để bàn công việc, vừa để ăn trưa, cũng là tránh nắng nóng và tranh thủ nghỉ trưa lúc giao ca”, chị Hương nói.
Theo quan sát của PV, dù cách bài trí của quán cà phê của chị Hương không có gì đặc biệt, song nhờ vào không gian (rộng rãi) và vị trí (gần các khu văn phòng, công ty) nên quán thành nơi hút khách trong ngày hè nắng nóng. Đáp ứng nhu cầu và tâm lý ngaị đi xa của khách hàng, quán cà phê của chị Hương còn thêm cả phục vụ bữa trưa.
Khách hàng vào quán cà phê có thể “ba cùng” tại chỗ là làm việc, ăn trưa và tranh nghỉ ngơi trong thời gian ngắn, vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa hiệu quả. “Trừ các chi phí, có tháng thu được cả trăm triệu”, chị Hương tiết lộ.
Tương tự, quán cà phê của anh Dũng tại khu đô thị Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng “hái” tiền nhờ những ngày nắng nóng. Từ 11h trưa, quán đã hết chỗ. Khách vào quán để ăn trưa hay ngồi uống cà phê đa số là dân văn phòng gần đấy và thường phải gọi đặt bàn trước. “Kinh doanh cà phê trốn nóng kiểu này quan trọng nhất là vị trí, sau đó là mặt bằng. Vị trí phải gần các văn phòng, công sở, còn mặt bằng thì cũng phải rộng, ít nhất cũng phải từ 150m2 trở lên”, anh Dũng nói.
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ do lượng khách tăng trong dịp hè, anh Dũng đã thuê thêm 3 nhân viên phục vụ bàn, song nhiều lúc vẫn không kịp phục vụ cho khách.
Điểm mạnh của các quán cà phê này là nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng (ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, tiết kiệm thời gian, thuận tiện). Song điểm hạn chế của những quán này là chỉ có thể hoạt động theo mùa vụ, chủ yếu là mùa hè.
Ngoài ra, ở phân khúc đáp ứng nhu cầu về không gian làm việc và nghỉ ngơi cho giới văn phòng, những quán cà phê nói trên cũng khó có thể cạnh tranh được với các private-office (văn phòng làm việc riêng), hay coworking-pace (văn phòng làm việc chia sẻ nhóm), vốn là mô hình đang rất phát triển hiện nay.
Dẫu vậy, vị trí vẫn là lợi thế lớn của các quán cà phê “trốn nóng”. Chỉ mất vài phút đi bộ, dân văn phòng có thể vào quán cà phê để hoặc làm việc, hoặc ăn trưa, hoặc lướt net, nghỉ ngơi, trong khi mức giá rẻ hơn các private-office và coworking-pace nhiều lần, rõ ràng sẽ là sự lựa chọn tối ưu.
“Chỉ mất 60 nghìn đồng, vừa ăn bữa trưa, vừa uống cà phê, lại vừa có chỗ nghỉ trưa và làm việc cũng rất hiệu quả, tôi nghĩ những ngày nắng nóng này không có chỗ nào phù hợp hơn là các quán cà phê”, Tuấn Anh, nhân viên kinh doanh một công ty phát triển phần mềm ở Cầu Giấy (Hà Nội) nói.
Lựa chọn của Tuấn Anh cũng là lựa chọn của nhiều dân văn phòng ở Hà Nội trong mùa nắng nóng này.