Lý giải về cái giá "2K"/suất cơm này, chị Nguyễn Trà My (SN 1986), chủ quán cơm, chia sẻ: "2.000 đồng là con số tượng trưng nhưng mình vẫn muốn bà con trả tiền để không bị cảm giác mắc nợ hay ái ngại. Ngoài ra, cũng để tăng tương tác giữa các nhà tài trợ, tình nguyện viên với các vị khách đặc biệt, để những lúc trao, nhận 2.000 đồng, mọi người có thể nói lời cảm ơn và động viên nhau".
Đang làm việc tại một công ty dược, đầu năm 2023, chị Trà My quyết định xin nghỉ việc để tự mình khởi nghiệp. Cơ duyên đã dẫn chị đến với những bữa cơm thiện nguyện dành cho người bệnh ung thư, sau đó có sự đồng lòng của chồng, tháng 9/2023, vợ chồng chị quyết định mở quán cơm 2K - quán cơm từ thiện hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Chị Trà My cho biết, chị dành nhiều thời gian để cùng các tình nguyện viên thực hiện những suất ăn 2K. Bản thân chị mỗi ngày đều xắn tay vào bếp cùng các tình nguyện viên sơ chế thực phẩm, chuẩn bị các công đoạn nấu ướng, dọn dẹp, sắp xếp phục vụ bữa ăn chiều cho người bệnh tại quán.
Ngoài ra, chị còn phụ trách lên thực đơn, mua sắm thực phẩm, giao việc cho đầu bếp và các tình nguyện viên; tiếp nhận và báo cáo tài trợ hàng tuần.
Đó là những công việc "không tên" và bận rộn nhưng cũng là hạnh phúc của cô chủ quán thiện tâm dành cho người bệnh. "Nụ cười Shinbi" cũng là nơi "trung chuyển" tấm lòng thiện nguyện của cộng đồng, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên đến với người bệnh ung thư.
Từ 150 suất cơm ngày đầu tiên với chỉ 4 tình nguyện viên và 1 đầu bếp, đến nay, mỗi ngày quán phục vụ 350-700 suất ăn. Số tình nguyện viên cũng tăng lên khoảng 100 người. Số người phục vụ thường xuyên và liên tục là gần 20 người mỗi ngày.
Để điều hành một quán ăn với số lượng suất ăn và "người phục vụ" không lương đông đảo quả thật không dễ dàng đối với chị Trà My và ông xã. Tình nguyện viên đa số đều không làm cố định mà tùy thuộc vào thời gian mọi người sắp xếp, còn số suất ăn mỗi ngày thì quá lớn, khối lượng công việc không hề ít.
"Chỉ đơn giản như việc xào mỗi ngày gần 1 tạ rau trong khoảng 1giờ đồng hồ cũng đã là khó với những đầu bếp không chuyên rồi, chưa kể biết bao nhiêu công đoạn và công việc khác để có thể phục vụ tận bàn từng suất ăn nóng hổi cho bệnh nhân và người nhà.
Không dễ vì vật giá leo thang, phải tính toán sao cho thực đơn đa dạng phong phú thay đổi ngon miệng mà chi phí nguyên liệu chỉ giữ trong khoảng 20 nghìn đồng/suất. Khó khăn lớn nhất cũng là nỗi lo lớn nhất là liệu có đủ quỹ để duy trì quán ổn định lâu dài?" - đó là những lo toan của chị Trà My.
Vất vả là thế nhưng chị My và mọi người của quán cơm đều rất vui vì nhận được sự ủng hộ của các tình nguyện viên. "Tình nguyện viên gắn bó với quán vì muốn góp một phần công sức của mình vào việc chia sẻ khó khăn với người bệnh. Còn các nhà hảo tâm gắn bó với quán vì tin tưởng, qua đó muốn gửi gắm tấm lòng đến với những hoàn cảnh kém may mắn", chị Trà My cho biết.
Gần 2 năm trôi qua, không biết có bao nhiêu lượt người bệnh, người nhà bệnh nhân đã ghé quán để rồi mang theo những ấm áp, những niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp, từ đó làm động lực chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Giờ đây, mỗi ngày quán "đỏ lửa", hơi ấm ấy lại tiếp tục lan tỏa đến nhiều trái tim biết rung cảm với cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn