Mang từng bao đất, từng cây giống ở đất liền ra đảo ươm trồng
Từ nhiều năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quan tâm, chỉ đạo ngành hậu cần nghiên cứu xây dựng nơi ăn, chốn ở chính quy cho quân, dân trên các đảo Trường Sa.
Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra), khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh tại đây vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển.
Mùa mưa, bão gió lớn, mùa khô lại thiếu nước nên cây xanh trên các đảo thường xuyên phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa không phải là một việc làm dễ thực hiện.
Để cải tạo không gian sống của mình, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã mang từng bao đất, từng cây giống ở đất liền ra ươm trồng. Trong quá trình đó, đơn vị đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo để xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên các đảo như: "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh", "Tất cả vì màu xanh nơi đảo xa". Đặc biệt là mô hình "Vì Trường Sa xanh".
Anh Thái Minh Khai, người dân sinh sống ở xã đảo Song Tử Tây, chia sẻ: "Khi Lữ đoàn 146 và huyện đảo triển khai Mô hình "Vì Trường Sa xanh" trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi và hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi chủ động đào hố, đổ phân để khi có cây là triển khai trồng được ngay. Mỗi cây mới trồng đều được che chắn và tưới nước đều đặn để cây phát triển xanh tốt. Thông qua hoạt động của mô hình là dịp để giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm của quân, dân thêm yêu mến, gắn bó với đảo".
Nhiều đảo đã xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao để trồng tại các đảo khác. Mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được nghỉ phép hay hết nhiệm vụ trở về đất liền đều chủ động chiết, trồng tặng đảo từ 1 đến 2 cây xanh và chăm sóc cây phát triển tốt.
Việc trồng và chăm sóc cây xanh được các cán bộ, chiến sĩ thực hiện rất sáng tạo, linh hoạt. Các đảo tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp khuôn viên của đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ, lá cây khô. Khi cây giống ra rễ, thời tiết phù hợp, đơn vị sẽ tổ chức trồng. Mỗi cây mới trồng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đều tổ chức che, chắn gió, sóng, không để hơi muối mặn xâm nhập. Nguồn nước để tưới cây được cán bộ, chiến sĩ tận dụng từ nước mưa và nước ngọt đã qua sử dụng.
Binh nhất Nguyễn Duy Tương Lai, chiến sĩ tại đảo Song Tử Tây, tâm sự: "Chăm sóc cây xanh ở đây tỉ mỉ và tốn công hơn so với trong đất liền rất nhiều. Chúng tôi luôn coi cây xanh như người bạn thân sau những giờ huấn luyện trên thao trường. Chăm sóc, cắt tỉa cây xanh giúp chúng tôi thư giãn và cảm thấy gần gũi với cuộc sống quê nhà, từ đó thêm gắn bó với biển, với đảo hơn".
Đánh giá về mô hình "Vì Trường Sa xanh", Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 Hải quân, khẳng định: "Mô hình "Vì Trường Sa xanh" của tuổi trẻ Lữ đoàn 146 đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo".
Giúp quân, dân huyện đảo có thêm điều kiện để trồng và chăm sóc cây xanh
Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, đã có hàng trăm nghìn cây xanh được chuyển ra các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, bao gồm: các loại cây tạo màu xanh cho đảo như Dừa ta, Phi lao, Keo bạch đàn. Cây giúp đảo đơm hoa như Hoa giấy, Mẫu đơn. Cây giúp đảo kết trái như Dừa xiêm lùn siêu trái, Quất xuân. Ngoài ra, Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương" cũng chuyển nhiều cây gia vị cải thiện bữa ăn bộ đội như: Cây lá giang Bình Định, Sấu xanh Hà Nội, các loại hạt giống rau, giá thể trồng trọt...
Với "Trường Sa xanh" năm 2022, Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương" dự kiến sẽ đưa 15.000 cây, hoa, cây quả ra đảo, được khởi động từ tháng 6/2022 đến 31/12/2022. Tuy nhiên, thực tế do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước ngọt nên tỉ lệ sống của cây chưa đạt như mong muốn.
Để "sắc xanh Trường Sa" mãi được nhân lên, để quân và dân huyện đảo Trường Sa thêm ấm lòng hơn nơi đầu sóng, ngọn gió, trở thành thành trì vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, quân và dân trên các đảo hiện đang rất cần các nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu và chế tạo thêm các loại máy lọc nước biển thành nước ngọt, thiết bị xử lý chất thải hữu cơ tại các điểm đảo. Cung cấp giải pháp đẩy nhanh tăng trưởng cây xanh tại các đảo, giúp cho quân, dân huyện đảo có thêm điều kiện để trồng và chăm sóc cây xanh, nhân lên sắc xanh Trường Sa giữa biển trời của Tổ quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn