"Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có phải hy sinh cũng không hề nao núng"

10:40 | 20/12/2024;
“Niềm tự hào lớn nhất trong đời tôi là được làm Bộ đội Cụ Hồ. Quân đội đã dạy tôi đứng vững, đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có phải hy sinh cũng không hề nao núng. Sống có lý tưởng, sống có niềm tin, sống vì mọi người thì gặp nghịch cảnh nào cũng tìm thấy hạnh phúc”.

Đó là chia sẻ của Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết cùng Báo Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết (SN 1951) - nữ biệt động một thời gắn với những trận đánh quan trọng, mưu lược giữa trung tâm Sài Gòn.

“Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”
- Ảnh 1.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết tham dự Đại hội Thanh niên - Sinh viên - Học sinh Thế giới - Festival tại Cuba, năm 1978

Mưu trí, gan dạ

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn, cơ sở Cách mạng bị tổn thất nặng nề, địch tung lực lượng lùng sục khắp nơi, mọi hoạt động đấu tranh càng thêm khó. Để tạo vỏ bọc cho mình, nữ biệt động Đoàn Thị Ánh Tuyết phải tự lực đi dạy kèm, bỏ báo… vừa kiếm sống, vừa tiếp tục bám trụ địa bàn, tự vận chuyển chất nổ, theo dõi tình hình.

Tháng 1/1970, tổ chức phân công Ánh Tuyết thực hiện nhiệm vụ đánh vào Tòa hành chánh quận 3, một trong những nơi lưu trữ hồ sơ quan trọng của địch, nơi mà mọi hoạt động ra vào đều được kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Sau nhiều tháng điều nghiên, tìm hiểu và nắm vững quy luật hoạt động của địch, Ánh Tuyết đã khéo léo nguỵ trang 2kg thuốc nổ trong chiếc túi xách và đặt vào đúng vị trí mục tiêu - khu vực lưu trữ hồ sơ của địch. Mìn phát nổ, kho hồ sơ bị thiêu hủy hoàn toàn, đánh dấu thắng lợi lớn của trận đánh này.

“Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”
- Ảnh 2.

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) dự kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội

Sau thành công tại Tòa hành chánh quận 3, Ánh Tuyết được giao nhiệm vụ tiếp theo: đánh vào Trung tâm báo chí quốc gia ở góc đường Lê Lợi - Tự Do (nay là đường Đồng Khởi, Quận 1). Tuy nhiên, đây là nơi có an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài các ký giả Mỹ - Ngụy, không ai được phép ra vào và tất cả những người vào đây đều phải trải qua kiểm tra an ninh gắt gao tại cổng gác. Trong quá trình điều nghiên, trong đầu Ánh Tuyết nảy ra phương án đánh: biến 4 ký thuốc nổ C4 thành món quà cưới.

“Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”
- Ảnh 3.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết (bìa trái) trong 1 lần gặp gỡ các chiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại biên giới phía Bắc

Qua quá trình làm quen, khai thác thông tin từ lính gác, Ánh Tuyết biết được trong Trung tâm báo chí có một nữ thư ký tên Loan nổi tiếng ác ôn. Lợi dụng điều này, đến ngày thực hiện nhiệm vụ, Ánh Tuyết mang theo 4kg thuốc nổ C4 ngụy trang thành quà cưới và nói với lính gác rằng cô có hẹn với Loan để đi đám cưới. Vì nể nang Loan, tên lính gác không kiểm tra món quà và cho phép Ánh Tuyết vào bên trong. Trong vai một ký giả đi dự tiệc cưới, Ánh Tuyết đã thành công vượt qua vòng kiểm soát an ninh chặt chẽ và thâm nhập vào mục tiêu để 4kg thuốc nổ dưới hình thức quà cưới vào nơi chúng chuẩn bị họp báo.

“Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”
- Ảnh 4.

Chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng đội - những người có mặt đầu tiên tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Chiều mùng 3 Tết Canh Tuất 1970 (tức ngày 8/2/1970), vừa dứt lệnh ngưng bắn lúc 18h30, một tiếng nổ kinh hoàng vang lên giữa trung tâm Sài Gòn. Trung tâm báo chí quốc gia bị hư hỏng nặng, nhiều hồ sơ và tài liệu quan trọng bị thiêu rụi. Trận đánh này đã gây tổn thất lớn cho địch, đồng thời khẳng định cho địch thấy rằng, ngay trong lòng Sài Gòn - giữa trung tâm kiểm soát nghiêm ngặt của chúng - ta vẫn làm chủ tình hình và quyết định giờ nổ súng. Chiến công của Ánh Tuyết không chỉ thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm mà còn là đòn đánh mạnh mẽ, đầy ý nghĩa vào hệ thống đầu não tuyên truyền của địch, làm cho địch hoang mang và làm cho nhân dân càng tin tưởng vào Cách mạng.

“Quân đội dạy tôi đứng thẳng trong bất cứ hoàn cảnh nào”
- Ảnh 5.

Nữ biệt động Sài Gòn Đoàn Thị Ánh Tuyết năm xưa

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Ánh Tuyết tham gia Cách mạng năm 14 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1969. Với những chiến công có ý nghĩa quan trọng, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà Nước.

Ngày 6/11/1978, Đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 2/2024, bà được nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng.

Hiện bà nghỉ hưu và sống tại TPHCM.

Một trận đánh khác để lại nhiều kỷ niệm với nữ biệt động Đoàn Thị Ánh Tuyết là trận đánh Toà hành chánh Gia Định. Để đánh được trận này, Ánh Tuyết quyết định chọn phương án "giả làm bà bầu" để qua mặt lính gác. Nhưng với một cô gái trẻ, chưa lập gia đình mà nhập vai một phụ nữ mang thai không hề đơn giản. Ánh Tuyết đã nghiên cứu kỹ, từ dáng đi đến cách ăn mặc của phụ nữ mang bầu, để nhập vai hòng qua mắt quân địch. Thời điểm được chọn đánh là 17 giờ. Đây là thời gian cuối ngày làm việc, người dân ít qua lại để tránh ảnh hưởng đến tình mạng của người dân. Trong vai một phụ nữ mang thai, Ánh Tuyết đàng hoàng bước vào Toà hành chánh Gia Định để làm giấy tờ căn cước. Đặt xong gói thuốc nổ, Ánh Tuyết thoát ra ngoài. Vừa ra khỏi cổng, một tiếng nổ lớn vang lên, cô trà trộn vào dòng người trên đường. Toà hành chánh Gia Định bị phá, giấy tờ hồ sơ lưu trữ căn cước bị thiêu hủy.

Tháng 9/1970, do bị chỉ điểm, nữ biệt động Đoàn Thị Ánh Tuyết bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng nữ chiến sĩ kiên trung vẫn không hé răng khai nửa lời. Sau đó, Ánh Tuyết bị đày ra Côn Đảo. Suốt năm năm trải qua các nhà lao trong đó có 3 năm ở "địa ngục trần gian", người chiến sĩ ấy giữ vững khí tiết, tiếp tục đấu tranh.

Chọn việc khó, tiếp tục kề vai cùng đồng đội

Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, Đoàn Thị Ánh Tuyết cùng đồng đội được về đất liền, góp sức cho công cuộc tái thiết đất nước. Năm 1976, Đoàn Thị Ánh Tuyết được cử đi học tại Trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1978), đứng trước 3 lựa chọn: Một là về tiếp tục công tác tại cơ quan cũ (quận 2); hai là nhận công tác tại Hội phụ nữ; ba là về Bộ Tư lệnh Đặc công, chấp nhận xa cha mẹ, tiếp tục vào chiến trường Tây Nam trong khi sức khoẻ chưa hoàn toàn bình phục. "Nếu chọn 2 việc đầu thì có lẽ bản thân tôi quá sung sướng. Nhưng còn việc khó thì lấy ai gánh vác. Biết bao đồng đội đã nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ, anh chị em đã để lại cả thanh xuân trên chiến trường… Nghĩ vậy nên tôi quyết định về Bộ Tư lệnh Đặc công và tiếp tục ra chiến trường…", bà Đoàn Thị Ánh Tuyết chia sẻ. Trở lại Bộ Tư lệnh đặc công, Ánh Tuyết được chia sẻ những gian khổ, mất mát, hy sinh của người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Khi chiến tranh biên giới kết thúc, đầu năm 1980, vì sức khỏe yếu, bà Đoàn Thị Ánh Tuyết về công tác tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm chức vụ: Phó Chủ nhiệm chính trị Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Bà chuyển về Quân khu 7, làm Giám đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn