Quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi là mấu chốt của kế hoạch "binh biến không đổ máu"?

19:15 | 02/02/2021;
Ngày 2/2, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) kêu gọi quân đội Myanmar thả tự do ngay lập tức cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng một số quan chức thuộc đảng này.

Quân đội Myanmar và kế hoạch binh biến không đổ máu

Quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, cùng một số quan chức thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 1/2. Lãnh đạo Quân đội Myanmar tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11/2020. Quân đội Myanmar cho biết cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc. Sau đó, quân đội sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.

Myanmar - chính biến

Quân đội Myanmar chặn nhiều ngả đường

Một ngày sau khi bị bắt giữ, đến nay vẫn chưa ai rõ tình trạng của các quan chức cấp cao chính phủ Myanmar ra sao. Larry Jagan, chuyên gia về Myanmar, cho rằng việc bắt giam, tước quyền lực của bà Suu Kyi là điểm mấu chốt trong kế hoạch binh biến "không đổ máu" của quân đội. Điều đó có thể kết thúc sự nghiệp chính trị của người phụ nữ từng được ca ngợi là "biểu tượng của nền dân chủ" này.

Về phía mình, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền kêu gọi quân đội Myanmar thả tự do ngay lập tức cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng một số quan chức thuộc đảng này. Tuyên bố cũng hối thúc quân đội công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020 để Quốc hội có thể triệu tập phiên họp ngay trong tuần này.

Aung San Suu Kyi - Myanmar

Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi

Phản ứng của thế giới về việc quân đội Myanmar bắt giữ bà San Suu Kyi

Thế giới vẫn đang tiếp tục theo sát mọi diễn biến chính trị tại Myanmar. Sau khi Liên hợp quốc đưa ra phản ứng, kêu gọi các bên Myanmar giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức 1 cuộc họp để bàn chi tiết về tình hình.

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi các bên ở Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải" cũng như sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của "ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN" nhằm đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN.

Nhiều quốc gia cũng đã có những tuyên bố tương tự như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Các nước cũng kêu gọi quân đội Myanmar thả những quan chức bị bắt giữ. Anh đã triệu tập Đại sứ Myanmar tại nước này lên tham vấn.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một tuyên bố, cảnh báo tái áp đặt trừng phạt nếu quân đội không "đảo ngược" các hành động. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói chung nhằm gây sức ép buộc quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ chiếm giữ, thả các nhà hoạt động và các quan chức mà họ bắt giữ, đồng thời gỡ bỏ mọi hạn chế viễn thông.

Liên minh châu Âu hiện cũng đã để ngỏ khả năng trừng phạt các Tướng lĩnh quân đội Myanmar. Trong khi đó, ngân hàng thế giới cảnh báo, những diễn biến mới nhất tại Myanmar có thể làm chậm các mục tiêu tăng trưởng, sự phát triển của đất nước.

Liên quan đến những diễn biến gần đây tại Myanmar, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar theo dõi sát tình hình, giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, thường xuyên cập nhật thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt Nam sở tại hỏi thăm tình hình bà con, nhắc nhở công dân, doanh nghiệp đảm bảo hoạt động bình thường; công dân Việt Nam hạn chế đi khỏi vùng/khu vực sinh sống, tránh nơi tụ tập đông người, chú ý an ninh, an toàn và đảm bảo sinh hoạt cuộc sống trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp nạn, đề nghị liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar là (+95)96.6088.8998; hoặc theo địa chỉ email: baohocongdan123@gmail.com hoặc Tổng đài Bảo hộ công của Bộ Ngoại giao: (+84)981.848.484.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn