Đã hơn 1 năm kể từ ngày thủ quỹ đền Rừng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) làm mất gần 5,5 tỷ tiền công đức, đến nay vụ việc vẫn chưa có kết luận từ cơ quan chức năng. Người làm mất số tiền vẫn sống trong nỗi dằn vặt trong khi dư luận tại địa phương vẫn chưa thôi bức xúc.
10h sáng, tiếng nhạc phát ra từ ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Thế Dũng (72 tuổi) trong con ngõ nhỏ ở Tổ 20, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Ông Dũng cho biết, kể sau khi vợ ông - bà Dương Thị Du (71 tuổi) - làm mất số tiền lớn của đền Rừng, bà đã trải qua cú sốc khiến nhiều thời điểm, bà bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng.
Lo sợ vợ nghĩ quẩn mà làm điều dại dột nên ông Dũng luôn ở bên cạnh để chuyện trò, động viên. Ông Dũng dùng âm nhạc như một liều thuốc, hy vọng có thể tạo cảm xúc tích cực cho người vợ của mình. Hằng ngày, vào các buổi sáng, ông Dũng lại mở nhạc cho bà Du nghe.
Dù sự việc mất tiền đã xảy ra hơn một năm nhưng bà Du nói rằng, đến giờ bà vẫn chưa thể "hoàn hồn". Bước đầu, Công an quận Long Biên đã xác định bà Du bị kẻ xấu lừa. Dù vậy, bà Du vẫn buồn bã với cảm giác có lỗi khi đã không hoàn thành nhiệm vụ. Càng buồn hơn bởi sau khi sự việc xảy ra, bà và cả gia đình đã bị mọi người nhìn với ánh mắt nghi kỵ, xa lánh.
"Vợ chồng tôi đều công tác trong quân đội và về nghỉ hưu tại địa phương. Cả một đời cống hiến, hai vợ chồng đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và chưa từng có điều tiếng gì. Ở tổ dân phố, gia đình tôi cũng được mọi người quý mến. Thế nhưng sau vụ tôi làm mất tiền công đức tại đền Rừng, cảm giác như danh tiếng gia đình gây dựng bao nhiêu năm đã đổ sông, đổ bể", bà Du chia sẻ.
Bà Du vẫn nhớ như in ngày hôm đó, vào khoảng 9h00 ngày 2/11/2022, bà Du nhận được cuộc điện thoại. Người gọi đến xưng tên Nguyễn Minh Đức, nói là nhân viên xử lý vi phạm điện lực tại số 69 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đức nói bà Du bị người khác mạo danh lắp điện ba pha tại phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và đang nợ số tiền điện gần 59 triệu đồng.
Bà Du phủ nhận thì đối tượng gợi ý nói bà Du nhờ Công an Thành phố Hồ Chí Minh điều tra làm rõ sự việc. Đến khoảng 14h30phút cùng ngày, bà Du nhận được cuộc gọi từ App Zalo của đối tượng xưng tên Đức, sau đó Đức nói chuyển máy điện thoại cho bà Du nói chuyện với Trần Ngọc Hải "là đại tá Công an Thành phố Hồ Chí Minh".
Sau khi nói chuyện với bà Du, đối tượng Hải nói bà Du đang liên quan đến các đối tượng buôn bán ma túy và nhận tiền từ đối tượng này là 100 triệu đồng.
Bà Du tiếp tục phủ nhận và Hải nói, nếu muốn chứng minh mình không liên quan thì bà Du phải rút hết số tiền đã có từ các tài khoản ngân hàng đứng tên bà Du và chuyển vào một tài khoản của bà Du đang sở hữu.
Do tâm lý lo sợ nên bà Du đã nghe theo, đến các ngân hàng đang gửi tiền tiết kiệm, vốn là tiền công đức của đền Rừng, để rút tiền chuyển vào tài khoản của bà Du mở tại một ngân hàng. Đến ngày hôm sau, theo hướng dẫn, bà Du đã chuyển hết số tiền 5,8 tỷ đồng (gồm gần 5,5 tỷ đồng tiền công đức của di tích đền Rừng và 300 triệu đồng của em gái chồng gửi bà Du giữ hộ) cho đối tượng lừa đảo.
"Thời điểm đó chồng tôi đi vắng, chúng liên tục gọi điện đe dọa. Chúng nói, nếu tiết lộ với ai thì tính mạng chồng, con và các cháu sẽ nguy hiểm. Tôi sợ hãi, cả ngày cứ ngẩn ngơ, suốt đêm không thể ngủ và chúng bảo gì cũng làm theo cho đến khi chuyển hết tiền cho chúng", bà Du kể lại.
Sau khi biết mình bị lừa, bà Du cùng ông Lê Đình Hải, Tổ trưởng Tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình - Đền - Chùa Gia Thượng (trong đó có đền Rừng), đã trình báo Công an phường Ngọc Thụy và Công an quận Long Biên.
"Vợ tôi bắt đầu công việc ở đền Rừng từ năm 2004 và được mọi người tin tưởng bầu làm thủ quỹ. Gần 20 năm chưa từng xảy ra sai sót nào dù là nhỏ nhất nhưng khi bị lừa, ai cũng nghi ngờ và bắt đầu xa lánh vợ tôi và cả gia đình tôi.
Đó là quãng thời gian khủng khiếp, không ai nói thẳng ra nhưng qua thái độ của họ, chúng tôi hiểu. Vợ tôi từng đảm đương nhiều vị trí ở tổ dân phố, nhà tôi cũng là nơi thường xuyên để mọi người gặp gỡ, họp bàn. Thế nhưng, sau vụ mất tiền, không ai còn đến nhà tôi nữa, kể cả những người thân cận nhất cũng nghi ngờ", ông Dũng cho biết.
Từ một người năng nổ với các phong trào ở tổ dân phố, bà Du không dám bước chân ra khỏi nhà. "Tôi cảm giác đau đến tột độ khi ra ngoài bị mọi người xì xào, bàn tán. Tôi không dám đi ra chợ, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi làm sai thì phải chịu, làm sao trách được mọi người", bà Du tâm sự.
Ngày 20/12/2023, sau một năm xảy ra sự việc, theo báo cáo của Công an quận Long Biên về việc xác minh, xử lý thông tin phản ánh, Công an quận Long Biên xác nhận có sự việc bà Du chuyển số tiền 5,8 tỷ đồng vào tài khoản mang tên Phạm Thị Thúy Huỳnh (tài khoản đối tượng lừa đảo sử dụng).
Cơ quan Công an cũng làm rõ, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng rất nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng dùng cho việc lừa đảo. Các tài khoản này chúng mua trên mạng xã hội. Ngày 13/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Long Biên đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra theo quy định.
Ngày 7/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã chuyển vụ án đến phòng Cảnh sát hình sự theo quy định. Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cuối cùng từ phía Công an Hà Nội.
Theo bà Du, với vị trí là thủ quỹ đền Rừng, bà thấy mình là người có lỗi lớn. Về hưu với đồng lương ít ỏi, cả đời tích cóp cũng chỉ xây được ngôi nhà nhỏ, nếu phải đền số tiền đó, vợ chồng bà đành phải bán nhà mà cũng không đủ để khắc phục.
"Tôi và cả gia đình vẫn ngóng chờ tin tức từ cơ quan Công an, mong Công an sớm bắt được kẻ lừa đảo, lấy lại được số tiền. Có như vậy, tôi mới thanh thản được, còn hiện tại, tôi vẫn sống trong tâm trạng dằn vặt và khổ sở.
Hơn một năm qua, cuộc sống của tôi không khác gì địa ngục. Tôi sợ hãi đến mức không dám dùng điện thoại nữa bởi ám ảnh về những những lời đe dọa của đối tượng lừa đảo", bà Du buồn bã nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho biết, trên địa bàn phường có 21 đền, chùa. "Sự việc mất số tiền lớn tại đền Rừng là rất đáng tiếc và từ trước đến nay, đây cũng là sự cố duy nhất đối với một cơ sở tâm linh trên địa bàn. Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã đình chỉ công việc đối với ông Lê Đình Hải và bà Dương Thị Du. Việc quản lý thiếu chặt chẽ của Ban quản lý đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hường, thời điểm mới xảy ra sự việc, dư luận cũng đặt ra nghi vấn liệu bà Du có biển thủ số tiền vì mục đích cá nhân hay bà Du và ông Hải cấu kết để chiếm đoạt tiền. Lúc đó, cả ông Hải và bà Du đều chịu sức ép rất lớn từ dư luận.
Tuy nhiên, sau khi Công an quận Long Biên vào cuộc và đã có thông báo rộng rãi với toàn dân thì bước đầu xác định, bà Du bị đối tượng xấu lừa gạt. Hiện tại, người dân không còn bức xúc như trước nhưng với bà Du vẫn bị ảnh hưởng tâm lý khi thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
* Bài sau: Tiền công đức bị thất thoát, ai chịu trách nhiệm?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn