Bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), dẫn số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh; gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia;
123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý, thu-chi đối với lĩnh vực này mà mới dừng ở công văn hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả.
Từ báo cáo cho thấy, số tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là rất lớn, như tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), cả năm 2023, Khu di tích đã thu được hơn 21,4 tỷ đồng. Tại đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chỉ trong vòng 1 tháng 5 ngày đầu năm 2024, kể từ khi thay đổi cách thức quản lý, số tiền công đức thu được đã lên đến hơn 3,2 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành kiểm tra thí điểm thu-chi tiền công đức ở tỉnh Quảng Ninh. Kết quả, tổng số thu năm 2022 là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), bằng khoảng 40% - 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tổng số chi là 54,4 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2023 tổng số thu 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo số liệu do Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cung cấp, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền trong hòm công đức của di tích này là 287 tỉ đồng, tổng chi khoảng 638 tỉ đồng.
"Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử", báo cáo của Bộ Tài chính viết.
"Những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế; còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là các Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo", bà Yến chia sẻ.
Đền Chợ Củi (tỉnh Hà Tĩnh), Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia
Thực tế, trước đây việc quản lý và sử dụng tiền công đức gần như không được công khai, minh bạch. Chỉ đến khi Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Về tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp sẽ được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận…
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty luật Chính pháp Đồng Tâm, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá: "Thông tư 04 đã có những quy định có tính pháp lý rõ ràng, rất chi tiết về quản lý, thu-chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Những quy định này sẽ tránh được việc tiền công đức bị thất thoát hoặc sử dụng không đúng mục đích".
Được biết, hiện nay nhiều nơi đã thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 04 như khu di tích Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Tại đây, mọi khoản công đức đều do Hội Người cao tuổi phường Vũ Ninh kiểm soát và quản lý thu chi. Để tiếp nhận tiền công đức, Ban quản lý Đền đã bố trí hơn 10 bàn ghi sổ tại nhiều nơi trong đền, riêng bộ phận công đức của đền có gần 60 người thực hiện việc quản lý, giám sát, kiểm đếm. Ngoài ra, di tích này cũng bố trí hệ thống camera giám sát.
Những ngày đầu năm 2024, dư luận hoan nghênh trước việc tỉnh Hà Tĩnh thanh tra và chấn chỉnh những sai phạm nghiêm trọng tại đền Chợ Củi khi từ năm 2015 đến năm 2022, UBND huyện Nghi Xuân giao mức khoán thu đối với hộ thủ nhang Đền chợ Củi là 2,5 tỉ đồng/năm.
Gia đình thủ nhang nói rằng, đến nay họ vẫn chưa thu đủ số tiền 13 tỷ đã bỏ ra đầu tư, tu sửa di tích vào thời điểm năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo từ chính quyền địa phương, sau khi thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào Ngân sách để thực hiện quản lý thu, chi theo đúng quy định pháp luật, chỉ trong vòng một tháng 5 ngày, tiền công đức thu được tại di tích này đã lên đến hơn 3,2 tỷ đồng.
Có thể thấy, Thông tư 04 ra đời đã có tác động tích cực trong việc quản lý tiền công đức. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng: "Các quy định trong Thông tư 04 vẫn chưa nêu cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là chưa có chế tài để xử lý các hành vi vi phạm.
Cần phải luật hoá bằng một điều khoản trong Bộ Luật hình sự, hoặc văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn để ngăn ngừa và có cơ sở xử lý những trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ mất tiền ở đền Rừng, hay vụ nhân viên Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười trộm tiền công đức xảy ra vào ngày 25/2/2024".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn