Chiều 26/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thứ nhất, về quy trình cấp số đăng ký thuốc, hiện nay chúng ta đang cấp số đăng ký không có định hướng, chỉ xét trên hồ sơ và cấp. Việc này dễ phát sinh cơ chế xin - cho tiêu cực, khó lựa chọn thuốc trong đấu thầu thuốc, dẫn đến khi đấu thầu chỉ chọn thuốc nào có giá rẻ.
Nữ đại biểu dẫn chứng, hiện Việt Nam có 22.000 số đăng ký cho 800 hợp chất trong khi tại Singapore chỉ có 10.000 số đăng ký cho 1.200 hợp chất. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký. Theo đại biểu, việc cấp đăng ký thuốc phải được thẩm định thực tế chứ không phải chỉ trên giấy tờ.
Thứ hai, theo đại biểu Phong Lan, chúng ta ưu tiên sản xuất thuốc trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp gần như 100% đã bị vốn ngoại thôn tính do chúng ta mở zoom cho kênh đầu tư nước ngoài trong lĩnh vược dược theo Nghị định 60 năm 2015 và Nghị định 155 năm 2020 thi hành luật chứng khoán. Từ đây dẫn đến hệ luỵ mất an ninh dược phẩm.
Thứ 3, về sản xuất, chúng ta muốn phát triển công nghiệp dược trong nước, nhất là khi Việt Nam có thế mạnh về dược liệu và thuốc Đông y, thì điều khoản quy định của Việt Nam lại chưa đầy đủ. Cần có cơ chế cụ thể để tháo gỡ khó khăn, chứ hiện nay nhiều bài thuốc không đăng ký làm thuốc Đông dược được mà phải chuyển sang đăng ký là thực phẩm chức năng.
Thứ tư, về phân phối, thực trạng tại Việt Nam đang bùng nổ gia tăng số lượng công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ. Kể từ khi Luật Dược 2016 được ban hành đến nay, số lượng doanh nghiệp bán buôn đã tăng từ 3.140 lên 5.170; số nhà thuốc tăng từ 39.200lên 67.000.
"Điều này không nên đánh giá tích cực là dân được tăng khả năng tiếp cận thuốc, dễ mua thuốc hơn, mà phải thấy việc kiểm soát giá và chất lượng thuốc khó hơn, trong bối cảnh bộ máy thanh tra của ta vẫn như cũ. Tiếp đó, các nhà thuốc cạnh tranh nhau bằng nhiều chiêu trò, bỏ qua kê đơn thuốc, dẫn đến tình trạng người dân muốn mua thuốc gì cũng được, phớt lờ mọi quy tắc thực hành tốt nhà thuốc" - nữ đại biểu TPHCM nêu.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phong Lan đề nghị, cần tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc, phân bổ hợp lý hơn, tránh tình trạng tập trung nhà thuốc quá nhiều ở một khu vực mà vùng sâu vùng xa lại không có.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần bổ sung điều kiện cư trú của dược sĩ để tránh tình trạng 1 dược sĩ có chứng chỉ hành nghề có thể mở nhà thuốc ở bất cứ chỗ nào trong khi lại đang làm việc cho một đơn vị khác. "Nhìn là thấy dược sĩ cho thuê bằng" - nữ đại biểu nói.
Thứ 5, việc áp dụng thương mại điện tử để bán thuốc online, theo đại biểu, hiện chúng ta quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi, nếu bán thuốc online thì sẽ có nhiều nguy cơ thuốc kém, thuốc giả…, rất khó xử lý trên không gian mạng.
Nhận thấy các nội dung bán thuốc qua sàn thương mại điện tử ở dự án luật còn đơn giản, rời rạc, chưa đủ tính khả thi, đại biểu đề nghị, tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc bán trên sàn thương mại điện tử. Còn thuốc không kê đơn thì chỉ áp dụng bán thương mại điện tử ở giai đoạn pháp lý của ta được hoàn thiện chặt chẽ, tổ chức trong một khuôn khổ an toàn, trật tự, chứ thời điểm này công tác chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa chín muồi để thực hiện.
Thứ 6, đại biểu Phong Lan nhấn mạnh, cần bổ sung điều khoản bồi thường khi người bệnh sử dụng thuốc giả nhưng thuốc lại có số đăng ký cụ thể, được bán tại hệ thống phân phối hợp pháp.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, về loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, dự án luật lần này sẽ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, điều kiện kinh doanh, thống nhất phương thức quản lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá thuốc và dịch vụ đi kèm, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu nhà thuốc.
Về phương thức kinh doanh thương mại điện tử, thuốc là loại hàng đặc biệt. Để kiểm soát được chất lượng khi mua bán theo phương thức điện tử, dự thảo quy định chỉ cho phép các cơ sở đã được chấp nhận đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống, thì được phép kinh doanh thêm theo phương thức thương mại điện tử. Tiếp đó, chỉ những thuốc không kê đơn được kinh doanh theo phương thức này chứ không phải là tất cả các loại thuốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn