Quán quân Tài năng Lương Văn Can 2018: Muốn cống hiến sức trẻ

16:15 | 07/12/2018;
Với đề án kinh doanh “Sản xuất máy chăm sóc mía FOHA”, Vũ Thị Ngọc, sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất giải thưởng “Tài năng Lương Văn Can 2018”.
Kĩ thuật và công nghệ - “2 món ăn” không thể thiếu
 
Đó là chia sẻ hóm hỉnh của Vũ Thị Ngọc, cô gái nhỏ bé đầy tài năng và đam mê công nghệ của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
 
ok.jpg
"Sinh viên chúng em thì không có gì ngoài sức trẻ và thời gian nên chúng em luôn mong muốn sẽ phát triển sản phẩm và đưa đến tận tay người nông dân" - Ngọc chia sẻ

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại Hải Dương, từ khi học phổ thông, Ngọc đã mê các hoạt động tập thể và thường xuyên góp mặt trong các phong trào cũng như game show của trường. Với những tìm tòi, khám phá và mày mò của mình, Ngọc đã sớm nuôi dưỡng đam mê kĩ thuật, công nghệ - một ngành nghề vẫn được nhiều người nghĩ là phù hợp hơn với nam giới.
 
lvc-30-doanhnhansaigon-1540547719.jpg
Ngọc luôn biết ơn nhà trường khi có nhiều cuộc thi sáng tạo và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia, đó là cơ hội trải nghiệm thực tế mà không phải môi trường đại học nào cũng có được
 
Ngay khi là sinh viên những năm đầu, nhờ những ý tưởng táo bạo của mình, Ngọc nhanh chóng là “điểm sáng” của Khoa học máy tính 4 khóa 10 - Khoa công nghệ thông tin. Cô mạnh dạn tham gia vào các cuộc thi ý tưởng sáng tạo cấp trường về thương mại và phần mềm, sau đó lại tiếp tục chinh phục những giải thưởng công nghệ lớn hơn bên ngoài.
 
Cô gái chuyên săn giải công nghệ
 
Được biết, năm 2017, Ngọc đã tham gia cuộc thi sáng tạo “AI – Trí tuệ nhân tạo” do công ty FPT tổ chức và may mắn lọt vào chung kết. Đây cũng là cuộc thi nền móng chắp cánh cho cô kĩ sư công nghệ này vươn tới những cuộc thi có quy mô hơn.
 
_bin9395-2_1600x1145.jpg
Quyết liệt và cẩn trọng trong công việc nhưng Ngọc rất trẻ trung đúng tuổi sinh viên ngoài đời

Đến tháng 3 năm nay, Ngọc đã không làm thất vọng nhà trường khi cô tham dự cuộc thi “Startup city” do thành đoàn Hà Nội tổ chức. Ngọc đã mang về giải thưởng 30 triệu đồng cho sản phẩm “Không gian trải nghiệm tại Lương Yên - Hà Nội”.

 
Và gần đây nhất, vào tháng 10/2018, Ngọc đã vinh dự đạt giải thưởng cao nhất cuộc thi toàn quốc “Tài năng Lương Văn Can 2018” do Hiệp hội Doanh nhân và báo Doanh nhân tổ chức tại Tp.HCM. Trong cuộc thi này, Ngọc đã giành cú đúp với 2 giải phụ và 1 giải Nhất. Giải phụ cho “Ý tưởng độc đáo nhất” và “Vị trí tốt nhất”, giải Nhất với đề án “Sản xuất máy làm mía cho bà con nông dân” với tổng giá trị giải thưởng gần 200 triệu đồng. Với Ngọc, đây là ý tưởng mà Ngọc dồn tâm huyết, thời gian và nghiên cứu nhiều nhất.
 
37722903_1772176242879032_1083474185532997632_n.png
Được biết, chiếc máy này có giá 38 triệu đồng và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới

 

Ý tưởng cho sản phẩm này xuất phát từ việc khi Ngọc đi qua Hòa Bình thì thấy trên cánh đồng mía rộng lớn mà người nông dân làm hoàn toàn bằng tay, quá vất vả và dễ bị trầy xước. Ngọc đã nung nấu ý nghĩ phải làm ra một cái gì đó để giúp đỡ những người dân trồng mía. Sau đó, Ngọc đã về tìm hiểu và liên kết với các bạn ở khoa cơ khí và ô tô điện tử của trường để cùng nhau thực hiện ý tưởng.
 
lvc-6-doanhnhansaigon-1540779935.jpg
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân trao giải Nhất cho Vũ Thị Ngọc

 

“Em đã tìm được cộng sự rất tuyệt vời là bạn sinh viên cùng trường, quê ở Tuyên Quang nơi trồng nhiều mía. Cả hai cùng chung ý tưởng nên chúng em nhanh chóng làm ra được sản phẩm là máy chăm sóc mía FOHA. Máy được mang đi thực tế ngay tại vùng quê nhà bạn và thực sự rất hiệu quả” – Ngọc cho biết.
 
Hiện tại, Ngọc đang làm chuyên viên phát triển sản phẩm tại một công ty về công nghệ chuyên làm các dự án phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 với những sản phẩm về IOT (Internet Of Things). 
 

Ngọc cho rằng, hiện nay các bạn sinh viên vẫn còn khá rụt rè dù có ý tưởng hay nhưng không dám làm và không tìm đồng đội để cùng thực hiện. Điều đó rất tiếc, nên theo Ngọc, khi các bạn đã có những ý tưởng hay thì hãy chia sẻ cho bạn bè để tìm kiếm ekip thực hiện. Sau đó chia sẻ nó với thầy cô để xin ý kiến, kinh nghiệm cũng như xin sự giới thiệu nguồn đầu tư hay các cuộc thi, để từ đó, có cơ hội phát triển ý tưởng thành sản phẩm và đi vào thực tế sẽ dễ dàng hơn.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn