Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 8/11, ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nêu thực trạng dịch chuyển lao động thành phố về nông thôn đang gây ra nhiều thách thức cho các địa phương. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam đối mặt dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn, cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề y tế, kinh tế, việc làm, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội…
Trước các bất cập, nữ ĐB đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên nguồn ngân sách cho an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế, trong đó nhiều người cao tuổi, trẻ em mồ côi…
"Về tái cơ cấu đầu tư công, tôi đề nghị cắt giảm các dự án kém hiệu quả, tập trung cho các dự án trọng điểm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án này và quan tâm đến dự án ứng với biến đổi khí hậu như ngăn mặn, trữ nước, chống sạt lở…" – ĐB Minh Trang đề nghị.
Cùng quan tâm đến nhóm đối tượng dễ tổn thương bởi đại dịch, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu kiến nghị về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn nhiều khó khăn. Ông đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, để phục hồi kinh tế cần quan tâm hơn tới công nhân, vì đây là lực lượng bị sang chấn tinh thần rất lớn trong đại dịch - điều chưa từng xảy ra, có thể để lại di chứng lâu dài. "Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng", ông nhấn mạnh.
ĐB Khải đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Trước hết, cần chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại tìm việc trong môi trường an toàn, hỗ trợ tài chính ổn định cuộc sống, có chính sách khuyến khích người lao động và doanh nghiệp…
Nhấn mạnh hệ thống an sinh xã hội, đại biểu đề nghị bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ cơ bản, đảm bảo cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở.
Liên quan đến việc dạy và học trực tuyến, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, chất lượng dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học, học sinh ở vùng sâu vùng xa. Theo ĐB, nhiều hộ nghèo không có điều kiện thiết bị để học tập, hạ tầng công nghệ đường truyền, học liệu chưa đáp ứng yêu cầu, giáo viên chưa được tập huấn công nghệ phương pháp dạy học mới nên hiệu quả học trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng.
ĐB Quân đề nghị một số phương án cải thiện vấn đề này như: hoàn thiện, ban hành văn bản dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa, phát triển học liệu phong phú, số hóa và chia sẻ thành nguồn chung cả nước.
Bên cạnh đó, cần phối hợp các bộ, ngành liên quan để quy định thời lượng tiết học mang tính thống nhất, đồng bộ phương pháp, thiết kế bài dạy, lựa chọn phần mềm, học liệu bám sát chương trình kết hợp kiểm tra đánh giá. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, hướng dẫn thống nhất việc phòng dịch trường học, sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi ở phạm vi toàn quốc.
ĐB Dương Tấn Quân cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nâng cao chất lượng đường truyền, hạ tầng công nghệ, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, xem xét miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cơ sở giáo dục… để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn