Quảng bá văn hóa Việt qua nghệ thuật thư pháp trên gốm

16:51 | 15/10/2022;
Với những nỗ lực, sự sáng tạo của mình, nghệ nhân thư pháp Nguyễn Thị Minh Hằng đã nâng tầm cho gốm sứ truyền thống.

Sinh ra trên "chiếc nôi" gốm Bát Tràng (Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Hằng đã dành nhiều thời gian và công sức cho những sản phẩm gốm quê hương. Chị Minh Hằng chia sẻ về ý tưởng sáng tạo "Nghệ thuật trên gốm" của mình.

+ Xin chào nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Hằng. Mối duyên nào đưa chị đến với ý tưởng sáng tạo nghệ thuật thư pháp trên gốm?

Trước đây, các sản phẩm gốm ở Bát Tràng đều là những vật phẩm được dùng trong triều đình, dần dần gốm đi vào đời sống của nhân dân. Trải qua hằng trăm năm, qua nhiều sóng gió, thế nhưng chính tình yêu nghề vô tận của con người nơi đây đã giúp nghề làm gốm ngày càng phát triển theo thời gian. Được nuôi dưỡng trên mảnh đất gốm sứ, nơi mà bất kì thôn, xóm nào ở xã Bát Tràng cũng có thể tìm thấy các sản phẩm gốm. 

Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm nghiên cứu và tìm lối đi cho riêng mình bằng một phong cách riêng biệt và độc đáo. Mỗi sản phẩm không chỉ chắt chiu tinh hoa, sự khéo léo của người thợ gốm mà còn được thổi hồn qua những nét chữ được viết theo lối thư pháp. Sản phẩm làm ra được định hướng là các sản phẩm gốm trang trí nội thất, đưa gốm vào đời sống, mang tính thẩm mỹ và chứa đựng đầy hồn cốt văn hóa của người Việt.

Quảng bá văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật thư pháp trên gốm - Ảnh 1.

Những dòng chữ thư pháp nghệ thuật được viết trên gốm Bát Tràng

Cứ nhắc đến thư pháp thì người ta nghĩ ngay đến những bức thư pháp được viết trên giấy, được khắc trên gỗ, bản thân tôi đến với thư pháp cũng chỉ là một cơ duyên tình cờ. Lúc đầu tôi cũng chỉ chấp bút trên giấy nhưng với lòng yêu nghề gốm sẵn có tôi đã nghĩ đến việc đưa thư pháp viết trên nền gốm. 

Lúc đầu cũng hơi khó khăn, sau này luyện tập nhiều tôi đã thành công đưa ra dòng sản phẩm gốm thư pháp. Từng dòng thư pháp trên gốm tôi đều tự tay chấp bút, đưa vào gốm những câu thơ, câu ca dao mộc mạc, gần gũi, dễ nghe dễ nhớ, đi sâu vào lòng người. Bản thân là một người con của mảnh đất Bát Tràng, nên tôi luôn phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại, đồng thời cũng luôn sáng tạo trên các sản phẩm gốm của mình.

+ Vậy đâu là điểm chị tâm đắc nhất trong các sáng tạo của mình?

Những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ sản xuất cũng như mẫu mã sản phẩm, Bát Tràng được biết đến là nơi có những sản phẩm gốm đạt đến trình độ tinh xảo, trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm.

Xuất phát từ cuộc sống hàng ngày, ngoài việc các sản phẩm dùng để cắm hoa, trưng bày, làm quà tặng thì những bút tích thư pháp trên gốm còn mang giá trị nghệ thuật cao truyền tải những thông điệp của cuộc sống tạo nên giá trị văn hóa cho người được sở hữu sản phẩm.

Một số tác phẩm của nghệ nhân Minh Hằng

Ngoài những sản phẩm được sáng tạo trên nền chữ thư pháp, tôi còn cho ra bộ sưu tập các lọ hoa trên nền bảng chữ cái A, B, C… vừa để trang trí vừa để cắm hoa với dòng men vô cùng bắt mắt, mẫu mã đa dạng.

Tôi mong muốn sản xuất những sản phẩm bình, lọ hoa phong phú để phục vụ khách hàng, ổn định công việc và phát triển sự nghiệp kinh tế cho gia đình. Ban đầu với đồng vốn khoảng 200 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư xây nhà xưởng nhỏ và những thiết bị cần thiết như: Mua đất để sản xuất, xây bể chứa hồ, máy đánh hồ, men, khuôn thạch cao để đổ bình, lọ hoa. Khi các khâu chuẩn bị đã ổn định , chúng tôi đưa vào thử nghiệm. Dần dần những sản phẩm bình, lọ hoa của gia đình đã thu hút được nhiều khách hàng đến mua. Từ những chiếc lọ hoa nhỏ nhỏ xinh xinh, gia đình đã mạnh dạn đầu tư những sản phẩm lớn hơn, đa dạng hơn, mẫu mã tinh xảo mang tính nghệ thuật hơn để phục vụ khách hàng và thị trường trong nước, quốc tế.

Mỗi tác phẩm như được nhào nặn từ chính tâm hồn người nghệ sỹ, có mỹ ý từ trong tâm. Nó không chỉ mang lại giá trị tinh thần vô giá cho đời sống mà còn đem lại giá trị truyền thống lâu đời cho một làng nghề, luôn hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ, mang tới sự bình an, hạnh phúc và thành đạt trong đời sống mỗi con người.

Bộ sưu tập các lọ hoa trên nền bảng chữ cái A, B, C… vừa để trang trí vừa để cắm hoa với dòng men vô cùng bắt mắt, mẫu mã đa dạng.

+ Trên hành trình gìn giữ, sáng tạo, thổi hồn cho gốm của chị, hẳn không thể thiếu những người đồng hành?

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh chúng tôi hiện nay cũng đang tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 5-7 lao động thời vụ. Trong đó có 8 lao động nam và 17 lao động nữ đều là con em hội viên trong xã, với mức thu nhập   mỗi lao động thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất lên đến gần 20 triệu đồng/tháng. Và đây cũng là HTX duy nhất trên địa bàn xã Bát Tràng sản xuất được những sản phẩm thư pháp trên gốm.

Hiện nay Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh đang tiếp tục nghiên cứu những giá trị văn hóa nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để đưa được nhiều câu chuyện và nhiều nền văn hóa vào trong những sản phẩm. Những sản phẩm đó sẽ để lại cho các thế hệ mai sau những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng đặc sắc.

Chị gửi gắm mong muốn, thông điệp gì qua những tác phẩm nghệ thuật thư pháp trên gốm của mình?

Về lợi ích tài chính, tôi mong muốn phát triển kinh tế gia đình và tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cho con em hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã và các địa bàn lân cận.

Tôi cũng mong ý tưởng, sản phẩm nghệ thuật thư pháp trên gốm sẽ tạo tác động xã hội, sản phẩm được xuất ra thị trường không những đáp ứng được thị hiếu của khách hàng mà còn mang lại những nét văn hóa, đặc trưng riêng của người nghệ nhân khi trực tiếp viết lên sản phẩm mang những thông điệp như: Phát huy truyền thống văn hóa, hạnh phúc gia đình, phong trào chống dịch Covid-19, bảo tồn nghề truyền thống!

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn