Thực trạng đáng báo động
Theo Điều 4, Luật Trẻ em 2016, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Trong số 61 vụ xâm hại trẻ em tại Quảng Bình thời gian qua, có 28 vụ xâm hại tình dục, 27 vụ xâm hại bạo lực với nạn nhân là 38 trẻ nữ, 23 trẻ nam.
Một số vụ việc có thể kể đến như: Tháng 12/2017, tại thành phố Đồng Hới, lợi dụng thời điểm người lớn đi vắng, đối tượng Đ.V.B (sinh năm 1998) đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với cháu Đ.T.T lúc này chỉ mới 8 tuổi. Còn tại huyện Minh Hóa, tháng 2/2018, đối tượng Đ.G.L (sinh năm 1986) đã hiếp dâm cháu Đ.T.H (sinh năm 2003), là trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Vụ việc đau lòng này cũng diễn ra vào thời điểm người nhà của nạn nhân đi vắng, nạn nhân không có khả năng kháng cự.
Thêm một sự việc dù đã diễn ra một thời gian dài nhưng mới được phát hiện vào tháng 5/2019. Đối tượng P.V.K (sinh năm 1981) tại xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch), là cha đẻ đã có hành vi dâm ô đối với 2 con gái ruột sinh năm 2004 và 2006. Hành vi mất hết nhân tính này của K. chỉ bị phát hiện khi cháu P.T (sinh năm 2004) kể cho mẹ biết. Ngay sau đó, người mẹ đã tố cáo hành vi này của K. với cơ quan công an. Quá trình đấu tranh, K. khai nhận đã thực hiện hành vi dâm ô đối với hai con gái từ năm 2017. Vụ việc đã được Công an huyện Quảng Trạch khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với P.V.K về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có gần 244 nghìn trẻ dưới 16 tuổi, chiếm 27,2% dân số; trong đó có khoảng 116 nghìn trẻ nữ và 128 nghìn trẻ nam. Trẻ em là những mầm non của đất nước, các em là những đối tượng cần được sự chăm lo, bảo vệ của ông bà cha mẹ và của toàn xã hội. Thế nên, khi xảy ra những vụ việc xâm hại trẻ em, đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tương lai lâu dài của chính các em mà còn là vết cắt, là nỗi đau trong lòng người thân và là sự nhức nhối đối với các cơ quan chính quyền.
Đâu là nguyên nhân?
Với các vụ việc đã được tổng hợp tại Quảng Bình, địa bàn xảy ra phổ biến là ở các huyện miền núi, nơi trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế. Suy nghĩ vẫn còn phổ biến ở các bậc phụ huynh nơi đây là "thương cho roi cho vọt" nên mặc định việc sử dụng bạo lực với con trẻ là đúng đắn, bản thân có quyền dạy dỗ con bằng bạo lực mà không hề nghĩ rằng đó là hành vi xâm hại trẻ em dẫn đến có những trường hợp trẻ bị bạo hành, ngược đãi thương tâm.
Bên cạnh đó, trong khi số vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng thì nhiều bậc cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con cái. Nhiều phụ huynh cho rằng, khi con cái ở lứa tuổi dậy thì mới có nguy cơ bị xâm hại nhưng thực tế, trẻ em gái có thể bị xâm hại tình dục bất cứ tuổi nào, thậm chí có những trường hợp trẻ dưới 5 tuổi. Song song với đó, suy nghĩ chỉ có trẻ em gái mới đối diện với nguy cơ bị xâm hại tình dục vẫn tồn tại, nên có những trẻ nam bị xâm hại mà phụ huynh không hề hay biết. Nhiều đối tượng phạm tội lại là người thân, thậm chí là quan hệ cha-con, họ hàng, hàng xóm, có điều kiện gần gũi nạn nhân nên nạn nhân mất cảnh giác. Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự bùng nổ thông tin trên mạng internet là điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thông tin độc hại, văn hóa phẩm đồi trụy cùng với lối sống buông thả của các đối tượng dẫn đến các hành vi xâm hại, trong đó điển hình là xâm hại tình dục trẻ em. Công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến trẻ em vẫn còn hạn chế. Việc trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Và thực tế, đến khi các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra thì lại rất khó để đưa ra pháp luật dẫn đến nhiều trường hợp dù thực tế có xâm hại nhưng vẫn không được đưa ra ánh sáng. Điểm chung lớn nhất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là thiếu bằng chứng trong khi đa phần cha mẹ thường trình báo cơ quan chức năng sau 3-4 ngày sự việc xảy ra, nên giám định pháp y hầu như không có kết quả. Các vụ việc cũng ít khi có nhân chứng do thủ phạm đã có tính toán trước. Mặt khác, người bị hại thường là trẻ em nên việc chỉ dùng lời khai để làm căn cứ buộc tội rất mong manh nếu vụ án không xác định được chứng cứ khác, hoặc đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội. Hơn thế nữa, chi phí giám định cũng là một trở ngại lớn trong quá trình thu thập chứng cứ. Theo đó, chi phí trung bình cho một mẫu giám định là 1 triệu đồng, các dịch vụ giám định liên quan đến xâm hại tình dục thường lên tới 3-5 triệu đồng. Chưa kể, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của các vụ việc xâm hại trẻ em mà còn có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cơ quan chuyên môn.
Công tác bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại và đặc biệt là xâm hại tình dục cần thiết thực hơn, cụ thể hơn; phải đảm bảo làm tốt từ khâu tuyên truyền đến chăm lo, bảo vệ. Và quan trọng hơn cả là từ nơi mỗi gia đình, các bậc phụ huynh không chủ quan, lơ là. Cần luôn nhắc nhở các con, cháu cẩn trọng với bất cứ ai, ngay cả những người thân thuộc, quen biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn