Nhà báo uyên thâm
Tọa đàm thu hút đông đảo các nhà báo lão thành, các nhà khoa học đến dự với mong muốn tạo diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ trao đổi những câu chuyện, những nhận định và tư liệu về nhân vật, về lịch sử báo chí Việt Nam; tổ chức các hình thức, hoạt động tri ân và tưởng niệm các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam.
Tọa đàm cũng góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, cho rằng nhà báo Quang Đạm là “người của thế kỷ XX”. Là người có thời làm Phó Trưởng ban Thư ký Tòa soạn báo Nhân dân, giúp việc cho nhà báo Quang Đạm, hơn ai hết, ông hiểu rõ những nhân tố đã làm nên một Quang Đạm uyên bác, đa tài, kiên nghị và nhân văn.
Theo nhà báo Phan Quang, khởi đầu để tạo nên một nhà báo, nhà trí thức Quang Đạm là các gene trí tuệ và khí tiết của hai dòng máu nội ngoại: Cha là cử nhân Tạ Quang Diệm thuộc dòng dõi một gia đình đã qua nhiều thế hệ cha dạy con thành đạt, anh là giáo sư Tạ Quang Bửu; mẹ là cụ Nguyễn Thị Đào, bút danh Sầm phố nữ sĩ, từng nức tiếng khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh qua những bài thơ Đường luật dí dỏm, thăng trầm, tràn đầy dũng khí hiếm thấy ở một người đàn bà thời phong kiến. Nhưng có lẽ hơn cả ở nhà báo Quang Đạm chính là tinh thần tự học, một nhà “đại tự học”.
Bằng tự học là chính, nhà báo Quang Đạm rất giỏi chữ Hán, thành thạo tiếng Pháp, biết tiếng Nga, tiếng Anh, văn phong trong sáng, khúc triết.
“Thường xuyên học và tự học, âm thầm nâng cao kiến thức để làm tốt mọi công việc được giao, học để cống hiến và cũng để có thêm sức vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, sự cố về tinh thần; bất cứ trong hoàn cảnh nào ông cũng tràn đầy nghị lực, miệt mài học tập và làm việc, làm việc và học tập, rồi tự rút ra bài học về những việc mình đã làm, đó là nét nổi bật trong tính cách Quang Đạm” - nhà báo Phan Quang chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cho biết, ông hiểu rõ những gì mà nhiều nhà báo lão thành đã đánh giá về nhà báo Quang Đạm, đó là “nhà báo học giả”, “cây từ điển sống”, “nhà chính luận sắc sảo”, “nhà báo tài năng, giàu trí tuệ”, “nhà đại tự học”…
Nói về “cây từ điển sống” Quang Đạm, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ: “Trong quá trình tác nghiệp báo chí, khi chữa bài, bác Quang Đạm đều giải thích cho chúng tôi vì sao đoạn ấy, câu ấy lại sửa như vậy; cụm từ nào dùng theo Hán - Việt mà có thể Việt hóa để bạn đọc dễ hiểu thì nên dùng. Ở khía cạnh ấy, bác Quang Đạm đúng là một trong những người đi tiên phong giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Sống bình dị, nghĩa tình
Không chỉ là nhà báo tuyệt vời, tài năng, bản lĩnh, học giả bậc thầy, nhân cách lớn, một kẻ sĩ, một nhà báo cách mạng xuất sắc, anh cả của làng báo, một đại thụ của làng báo Việt như những đánh giá của các nhà báo lão thành, nhà báo Quang Đạm còn được đánh giá là một con người rất giản dị hơn cả bình dân. PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, trong tham luận của mình từng viết: “Do yêu cầu công việc, tôi được vài lần tiếp xúc với nhà báo Quang Đạm. Muốn nói chuyện, ông hẹn về ngõ 11 Lý Thường Kiệt, nơi ông ở. Đó là căn phòng hơi vuông, ở gác hai trong tập thể báo Nhân dân. Bộ bàn ghế nhỏ tiếp khách không thể đơn giản hơn. Gặp ở nhà trông ông như một nông dân thực thụ, chỉ nhận ra ông như một trí thức lớn khi nhìn vào đôi mắt, vầng trán và cung cách nói chuyện của ông. Đó là người nói năng, giao tiếp nhẹ nhàng, nghị lực, điềm tĩnh và sâu sắc nhưng hết sức bình dị”.
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, ở Báo Nhân dân, nhiều người đều có chung nhận xét về nhà báo Quang Đạm là chưa lần nào gặp nhà báo Quang Đạm cáu gắt, to tiếng, mắng mỏ ai. Những người mắc khuyết điểm đều được nhà báo ôn tồn góp ý thân ái và gợi mở cách sửa chữa.