Quảng Nam: Bệnh bạch hầu tái xuất, một trẻ tử vong

17:46 | 11/10/2017;
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, cả 7/7 trường hợp ở Quảng Nam đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 1 trường hợp đã tử vong.
Ngày 11/10, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện 1 ổ dịch bạch hầu làm một bệnh nhi tử vong.

Trước đó, cuối tháng 9/2017, Sở Y tế Quảng Nam nhận được thông tin về một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nên đã cử đoàn công tác về tìm hiểu.

Tại đây, đoàn công tác phát hiện 7 trường hợp có các dấu hiệu của bệnh bạch hầu như sưng hạch cổ, có giả mạc hầu họng…

Đoàn công tác đã lấy 10 mẫu dịch của 7 trường hợp trên để xét nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy cả 7/7 trường hợp đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
 
check_thong_tin_vac_xin.jpg
Tư vấn tiêm vaccine cho trẻ để phòng bệnh bạch hầu
Hiện tại, 6 ca đang điều trị tại BV huyện Nam Trà My. Riêng bệnh nhi Hồ Bảo Phúc (sinh năm 2009, huyện Nam Trà My) đã tử vong do biến chứng viêm cơ tim.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là một bệnh do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lây truyền truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng.

Khi bị bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Người mắc bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi và và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn