Lan tỏa phong trào
Tiếp nối đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án “Phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025” của UBND tỉnh, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Hội LHPN tỉnh phát động, bước đầu đã đạt được những thành quả đáng chú ý. Đề án gồm 2 giai đoạn và giai đoạn 1 (2018 - 2020) được triển khai với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội, nhằm hỗ trợ, đồng hành với hội viên phụ nữ tỉnh trong phong trào khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, từ tinh thần đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), Hội LHPN tỉnh và các cơ sở hội tổ chức 70 lớp tập huấn, hơn 650 điểm truyền thông nâng cao kiến thức cho hơn 70.700 hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đa dạng sản phẩm. Nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh của phụ nữ được triển khai. Đề án ra mắt CLB “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 với 23 thành viên và trưng bày sản phẩm tiêu biểu do hội viên phụ nữ sản xuất; ra mắt trang web “www.phunutamkykhoinghiep.com” để kết nối, quảng bá sản phẩm do phụ nữ Tam Kỳ sản xuất đến người tiêu dùng. Hỗ trợ xây dựng các tổ, nhóm liên kết khởi nghiệp với 4 nhóm liên kết sản xuất hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp với 60 hộ tham gia tại Thăng Bình… Đề án còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm như: bánh tráng lề Địch Yên, các sản phẩm sản xuất từ mo cau (Tiên Phước); hương trầm Kỳ Nam (Đại Lộc), nước mắm Hai Hiền (Thăng Bình)...
Riêng cuộc thi “Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo - kết nối thành công” năm 2020 là hoạt động nhằm khơi gợi đam mê, sáng tạo khởi nghiệp đối với phụ nữ trong tỉnh. Cuộc thi được phát động từ tháng 2 đến 9/2020. Các sản phẩm sau chấm chọn đạt xuất sắc sẽ được đề xuất trình UBND tỉnh công nhận. Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của phụ nữ trải qua nhiều vòng chấm chọn đã được hội đồng tư vấn, phản biện, đóng góp thêm ý tưởng bổ ích để chủ thể tiếp tục hoàn thiện, phát triển thêm ý tưởng, dự án, góp phần nâng tầm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cũng như tính thực tiễn.
Nhiều ý tưởng, dự án hay
Đến với Cuộc thi “Phụ nữ Quảng Nam khởi nghiệp sáng tạo - kết nối thành công” năm 2020, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ được tuyển chọn, hỗ trợ hoàn thiện, trải qua các vòng chấm chọn của ban giám khảo để được nâng tầm, đề xuất tỉnh công nhận.
Chị Nguyễn Thị Nhật Kiều (xã Phước Xuân, Phước Sơn) mang đến cuộc thi mô hình chế biến sản phẩm rượu nếp cẩm, nếp than vốn sản xuất từ hai loại nếp cẩm, nếp than của xã Phước Xuân, được làm theo công thức riêng của đồng bào, có mùi men đặc trưng. Chị Kiều ấp ủ ý tưởng phát triển quy mô sản xuất, hoàn thiện và nâng cấp quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. “Tôi hy vọng mình sẽ giải quyết thêm nhiều việc làm, thu nhập cho đồng bào Phước Sơn ở việc trồng và bán nếp than, nếp cẩm, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm” - chị Kiều chia sẻ.
Chị Hà Thị Thảo (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) cũng mang đến ý tưởng, dự án thú vị với sản phẩm ống hút tre và các sản phẩm từ tre nguyên liệu sẵn có ở Tam Thăng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Cơ sở sản xuất của chị Thảo hiện có sức tiêu thụ ổn định, góp phần đem lại lợi nhuận 6 - 7 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Còn rất nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp thiết thực mà sản phẩm đã được thị trường đón nhận, ưa chuộng. Ví như, sản phẩm nước mắm truyền thống đạt 3 sao OCOP của Hợp tác xã nước mắm Hai Hiền (Thăng Bình), dự án khởi nghiệp bánh chưng Bà Ba Hội (Huỳnh Thị Thu Thủy, Tam Kỳ); dầu tràm Linh Vũ (chị Bùi Thị Nguyệt, Thăng Bình)... Những dự án, ý tưởng này sẽ được tạo điều kiện để phát triển, tạo ra bức tranh khởi nghiệp sinh động của phụ nữ trên toàn tỉnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn