Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng mạng lưới hơn 2.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo tại 173/173 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Việc mở các Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn đã làm "cầu nối" để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần nâng cao lòng tin của người dân.
Tính đến hết tháng 3/2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã và đang triển khai cho vay 23 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 4.710 tỷ đồng, tăng hơn 187 tỷ đồng so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 4,2%. Trong đó, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 4.700 tỷ đồng, chiếm 99,8%/tổng dư nợ, tăng hơn 187 tỷ đồng so với năm 2022, với 2.592 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 101,6 nghìn hộ còn dư nợ.
Nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại các xã, phường, thị trấn được nâng cao, với 2.388 tổ được xếp loại tốt, chiếm 92,1%; 153 tổ xếp loại khá, chiếm 5,9%; 47 tổ xếp loại trung bình và 4 tổ xếp loại yếu.
Một trong những tấm gương điển hình về vay vốn để phát triển kinh tế đó là chị Lê Thị Thu Sương ở xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi có hoàn cảnh nghèo khó neo đơn. Chị được Hội LHPN xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn ưu đãi cùng sự chịu thương, chịu khó làm ăn, đã giúp gia đình chị Sương vươn lên thoát nghèo. Đối với chị Sương, nguồn vốn vay như "chiếc phao cứu sinh" giúp gia đình chị trong lúc khó khăn nhất.
Cũng như chị Sương, chị Nguyễn Thị Minh Hương ở tổ Phú Vinh Đông, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành cũng là một trong những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế và trang trải chi phí cho các con học tập. Trong lúc khó khăn, chị được Hội LHPN thị trấn Chợ Chùa hướng dẫn vay 72 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH để trang trải chi chí cho các con học tập.
Đến nay, các con của chị đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Không chỉ vay vốn trang trải chi phí học tập cho các con, chị Hương còn vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ đó, gia đình chị có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, các con của chị được học tập đến nơi, đến chốn.
Thực hiện Chương trình ủy thác, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực triển khai chương trình ủy thác vay vốn và tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, góp phần hỗ trợ phụ nữ chủ động vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã nhận ủy thác của NHCSXH hơn 2.035 tỷ đồng, với hơn 1.000 Tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho hơn 44 nghìn hộ vay vốn phát triển kinh tế.
Hàng năm, thông qua các nguồn vốn, hoạt động hỗ trợ, các cấp Hội đã giúp khoảng 1.000 - 4.000 hộ phụ nữ vượt qua ngưỡng nghèo. Giai đoạn 2016 - 2021 đã giúp cho trên 8.200 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực triển khai chương trình ủy thác vay vốn và tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ
Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ nhằm giúp các cho các hộ vay vốn sử dụng vốn, phát huy hiệu quả đồng vốn đúng mục đích. Các cấp Hội phối hợp đào tạo, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm, xuất khẩu lao động theo hợp đồng cho trên 12 nghìn người; giới thiệu phụ nữ làm việc tại các công ty, xí nghiệp, hỗ trợ tự tạo việc làm, thành lập mô hình tại địa phương từ ngành nghề được học.
Sau học nghề, hầu hết chị em đã tìm được việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh tại gia đình, có thu nhập ổn định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn