Chị Đinh Thị Hạ, thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp sạch xã Sơn Long (huyện Sơn Tây - tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Tổ hợp tác được thành lập thứ giữa năm 2023 với 15 thành viên là chị em phụ nữ người dân tộc Ca Dong tại Xã Sơn Long. Đây là địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Ngãi, tập trung đông người dân tộc thiểu số. Đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây chủ yếu trông vào nông nghiệp - lâm nghiệp, trồng cây keo, cây cau, cây mì nhưng những thường giá cả không ổn định.
Chị Hạ cho biết, trước đây, các hộ gia đình vẫn sản xuất, trồng trọt theo hướng tự phát, mạnh nhà nào nhà đó làm. Nhận thấy nuôi trồng nhỏ lẻ, không có sức cạnh tranh, chị em phụ nữ Ca Dong tự nguyện thành lập Tổ hợp tác, với sự hỗ trợ của cấp Hội phụ nữ tại địa phương. Vào tổ hợp tác, chị em cùng làm, cùng chia sẻ kỹ thuật canh tác, giảm được rủi ro trong sản xuất và gắn kết trong việc cung cấp sản phẩm, tránh bị ép giá.
Chị Đinh Thị Hạnh, người Ca Dong, thành viên của Tổ hợp tác, cho biết: Thời gian qua, phụ nữ nơi đây tập trung trồng cây ổi rubi ruột đỏ. Đây là giống ổi mới được đưa về Sơn Long, rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, nên ra trái rất đẹp, ruột đỏ tươi, ăn ngọt và giòn.
Mặc dù vậy, theo chị Hạnh, chị em Ca Dong vất vả chăm sóc cây ổi, ra trái đều, đẹp và ngon, nhưng điểm hạn chế là thiếu "đầu ra". Giao thông vào thôn, xã xa xôi cản trở việc đưa sản phẩm đi xa; mặt khác chị em lại chưa biết quảng bá, giới thiệu đi đâu, nên quả ổi ngon cũng vẫn tiêu thụ hạn chế.
Thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp của tỉnh Quảng Ngãi, các thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp sạch xã Sơn Long mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là quay video giới thiệu sản phẩm ngay tại vườn, livestream quy trình chăm sóc và giới thiệu loại ổi rubi ruột đỏ này trên các nền tảng mạng xã hội để phổ biến sản phẩm rộng rãi hơn nữa. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều nơi biết tới loại ổi thơm, ngon này của vùng đất Sơn Long.
Qua ứng dụng công nghệ thông tin, sản phẩm ổi rubi ruột đỏ của phụ nữ Ca Dong xã Sơn Long ngày càng được biết đến nhiều hơn, đơn đặt hàng cũng tăng lên. Chị em phụ nữ Ca Dong cũng vì thế mà thêm tự tin, hăng hái sản xuất, tích cực ứng dụng công nghệ để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn