Phụ nữ là "đối tượng đích"
Tại tỉnh Quảng Trị, nhiều năm qua xuất hiện các sản phẩm đặc sản của địa phương sản xuất được nhiều người biết tới, ưa chuộng. Nhiều sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu như tinh bột nghệ (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ), cam K4 (Hải Phú), chổi đót Văn Phong, mứt gừng Mỹ Chánh, Tiêu Cùa, Cà phê Khe Sanh, Gạo sạch Triệu Phong, Gà sạch Triệu Thượng, Ổi Cam Hiếu; rượu Kim Long, ném Hải Dương, chè Mỹ Chánh, nước mắm Mỹ Thủy, chổi đót ở Hải Chánh, nón lá,… Tuy nhiên, những mặt hàng này vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường; khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khoảng trống, cần có nhiều biện pháp để đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ - người quyết định mua sắm, tiêu dùng trong mỗi gia đình.
Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong 10 năm qua (2009 – 2019), các cấp Hội LHPN trong tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong nước, kiến thức kỹ năng phân biệt hàng nội, hàng ngoại, hướng dẫn hội viên, phụ nữ nhận biết mã vạch hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; vận động hội viên phụ nữ, các hộ kinh doanh buôn bán ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sử dụng và nhập các sản phẩm của trong nước sản xuất, không dùng và bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng... Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của chi, tổ phụ nữ, nhóm phụ nữ Tiết kiệm - Tín dụng, hội thi, diễn đàn, hội thảo, hội thi "Khi ông xã vào bếp", "Gia đình hạnh phúc", "Gia đình điểm 10", "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" đến hơn 120 ngàn lượt hội viên, phụ nữ.
Để sản phẩm hàng Việt vươn xa hơn, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm như sản phẩm Việt, làng nghề truyền thống, phân phối sản phẩm thông của địa phương và các mô hình THT, HTX, mô hình kinh tế do Hội đầu tư qua các hoạt động: Xây dựng gian hàng "Trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã của phụ nữ" của Hội LHPN tỉnh, huyện với trên 100 sản phẩm được giới thiệu định kỳ hàng tuần. Đồng thời tổ chức Hội nghị "Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm của các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế" đã giúp các sản phẩm nâng cao giá trị, tăng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường; đồng thời, tìm kiếm sự hợp tác với Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế; tham gia các hoạt động tại Hội chợ Công Thương khu vực miền Trung - Tây nguyên - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị để mở rộng đầu ra hơn nữa cho hàng hóa địa phương.
Khai thác thế mạnh của phụ nữ trong sản xuất hàng hóa sạch, đảm bảo vệ sinh
Hướng đến thế mạnh của phụ nữ trong sản xuất, chăn nuôi, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị chú trọng vận động nguồn lực triển khai các mô hình sản xuất sạch, an toàn của phụ nữ vừa nâng cao chất lượng hàng hóa địa phương. Cụ thể như triển khai nhiều mô hình: Trồng tiêu sạch tại Hướng Tân, Tân Lập (huyện Hướng Hóa), 220 "Vườn rau dinh dưỡng" tại Hướng Hóa, Đakrông, xây dựng mô hình trồng nghệ ở Vĩnh Linh và mô hình trồng giong riềng ở Gio Linh, hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho 140 hộ hội viên phụ nữ. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cơ sở nhân rộng mô hình tổ hợp tác, mô hình giảm nghèo bền vững, mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Đến nay, toàn tỉnh có 285 tổ hợp tác được UBND chứng thực, 2053 mô hình là kinh tế giỏi và 482 mô hình giảm nghèo bền vững. Trong đó chú trọng xây dựng các Tổ hợp tác "Sản xuất tinh bột nghệ", "Chăn nuôi tổng hợp", "Trồng rau an toàn"..., Thông qua đó tạo ra những sản phẩm hàng Việt Nam an toàn, đáp ứng nhu cầu và thu hút người dân và hội viên phụ nữ tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn tại địa phương.
Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với sản xuất, trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn đạt được những kết quả tốt hơn, để sản phẩm nông sản an toàn của hội viên, phụ nữ phát triển bền vững và vươn cao, vươn xa hơn, chị Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cho biết: "Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh có nhiều giải pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động trong các cấp Hội trong đó tập trung thực hiện An toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm của các mô hình THT, HTX, tổ liên kết và mô hình sản xuất sạch, an toàn của hội viên, phụ nữ; tổ chức có hiệu quả "Ngày phụ nữ sáng tạo", "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" gắn với các hoạt động tuyên truyền cuộc vận động, quảng bá giới thiệu kết nối sản phẩm. Xây dựng, thực hiện Đề tài Giải pháp thực hiện kết nối cung - cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế..." .
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn