Nỗi niềm khó giãi bày
Cô Quratulain Fatima, nữ trung úy của Lực lượng không quân Pakistan cho biết: “Năm 2003, tôi là một sĩ quan không quân tại Pakistan. Tôi được đào tạo dưới sự giám sát của một ông sếp khét tiếng về những trò sàm sỡ. Ông ta thường cố tình đụng chạm vào những chỗ nhạy cảm, đưa ra những lời đùa cợt khiếm nhã với tôi và các đồng nghiệp nữ. Đó là những tổn thương vô cùng khó chịu, nhất là khi chúng tôi không có chứng cớ gì để tố cáo ông ta. Thay vào đó, chúng tôi tập làm quen, hoặc cố quên đi chuyện mình đã bị quấy rối”.
Quân đội là nơi nam giới "thống trị"" với quân số hơn 90%. Môi trường làm việc đó ít nhiều gây bất lợi cho phụ nữ. Mặc khác, phụ nữ trong quân đội rất ngại đề cập đến các vụ bạo lực tình dục. Nếu họ tố cáo thủ phạm thì họ cũng bị nghi ngờ trước là do họ ăn mặc khêu gợi hoặc có cử chỉ không đúng đắn nên mới bị tấn công.
Trong các xã hội bảo thủ, trọng trinh tiết, thì việc tố cáo các vụ quấy rối tình dục gây có thể tổn hại và ảnh hưởng đến danh dự nạn nhân nhiều hơn. Do vậy, một số nữ quân nhân cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, xem đó là chuyện bình thường. Họ cũng có xu hướng truyền sự cam chịu đó cho thế hệ sau.
Tạo môi trường an toàn cho nạn nhân lên tiếng
Mỗi quốc gia đều có những giải pháp riêng để giải quyết vấn đề này. Pakistan thực hiện các biện pháp cách ly hai khu vực nam - nữ để hạn chế nguy cơ tấn công tình dục. Na Uy thì ngược lại, cho cả nam và nữ ở chung cùng khu ký túc xá. Các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Israel và Canada thì nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp giúp nạn nhân báo cáo vụ việc một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong việc giải quyết tình trạng xâm hại tình dục trong quân đội là do kỷ luật quân sự rất nghiêm khắc. Việc thống kê về tội phạm tình dục trong quân đội vẫn còn rất khó khăn. Để đảm bảo bí mật quân sự, người trong ngành không được phép đem chuyện trong tổ chức mình ra kể ở bên ngoài. Ngoài ra, các tổ chức quân sự có thể lợi dụng kẽ hở pháp lý hoặc luật an ninh quốc gia để né tránh trách nhiệm về tội phạm.
Là người trong cuộc, Quratulain Fatima, nữ trung úy của Lực lượng không quân Pakistan đề xuất: Để các vụ tấn công và quấy rối tình dục được giải quyết thì phải có những biện pháp chống quấy rối và tấn công tình dục, tập huấn cho các thành viên trong quân đội khai báo các vụ quấy rối hoặc tấn công tình dục khi là nạn nhân hoặc nhân chứng, tạo các kênh an toàn và riêng tư để nạn nhân khai báo mà không sợ trả thù, bổ sung vào luật quân sự một chương mục về hành vi quấy rối tình dục, công khai các dữ liệu về quấy rối tình dục và các biện pháp xử lý cụ thể, đưa ra các điều khoản nhằm đảm bảo rằng các vụ vi phạm điều được xử lý. Có như vậy thì cả phụ nữ và nam giới đều cảm thấy an toàn trong môi trường làm việc của mình.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, quấy rối tình dục trong quân đội một số nước đang có xu hướng tăng lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm qua Israel có 893 vụ tấn công tình dục được báo cáo. Ở Anh, 40% nữ quân nhân là nạn nhân của bạo lực tình dục. Ở Canada, 27% phụ nữ phải đối mặt với quấy rối tình dục. Trong năm 2017, số vụ tấn công tình dục được báo cáo trong quân đội Mỹ là 6.769 vụ, tăng 10% so với năm 2016. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2014 đến nay. Khoảng 2/3 các vụ báo cáo đã bị xử lý kỷ luật. 38% còn lại được miễn giảm trách nhiệm vì thiếu bằng chứng. Cũng theo Lầu Năm Góc, trong năm 2017 quân đội có khoảng 700 khiếu nại về quấy rối tình dục. 90% trong số này là từ binh sĩ mới nhập ngũ. |