Câu "Thước đo hạnh phúc của phụ nữ chính là sự tử tế của người chồng" thật sự là không quá. Bởi suy cho cùng, khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, mọi niềm vui, nỗi buồn của người vợ đều bắt người từ chồng mà ra. Nếu được chồng thương yêu trân trọng, nét mặt người vợ lúc nào cũng rạng rỡ như hoa. Ngược lại sống bên người chồng vô tâm, chẳng vợ nào thấy vui vẻ hạnh phúc cho được.
Từng là người chồng vô tâm như thế, Phạm Kiên (Hà Nội) chia sẻ rằng: Khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, làm vợ chồng rồi cần gì cứ phải thể hiện tình cảm như thủa mới yêu. Vợ có trọng trách của vợ, chồng có trọng trách của chồng. Ai lo việc người ấy, miễn cuộc sống gia đình được "vận hành" đều đặn ổn thỏa mỗi ngày là được.
Nhưng rồi đến một ngày Kiên chợt nhận ra, cuộc sống hôn nhân không phải là công thức đặt sẵn, cứ lên giây cót là chạy. Nó cần sự thấu hiểu, lắng nghe. Có như thế cả hai mới cùng nhau đi tới đích đến của hạnh phúc.
Kiên làm bên khối xây dựng, lương lậu thu nhập khá nhưng công việc áp lực. Sau khi cưới Vân, tất cả mọi chuyện nhà cửa, con cái đều do 1 tay cô lo liệu, còn anh là đàn ông sẽ nhận gánh nặng kinh tế.
Vì quan niệm như thế nên Kiên sống rất áp đặt, không bao giờ anh động chân động tay vào việc nhà đỡ vợ. Đi làm về là anh nằm đọc báo, lướt facebook, chơi điện tử giải trí. "Thi thoảng vợ tôi cũng cằn nhằn nói tôi vô tâm ích kỷ, không chịu đỡ đần vợ nhưng tôi chỉ chép miệng mắng em đàn bà, được voi đòi tiên. Vợ còn càm ràm nhiều là tôi trợn mắt, vùng vằng dắt xe đi. Thậm chí có hôm còn không ăn tối ở nhà. Sau nhiều lần như vậy, vợ tôi không cằn nhằn nữa", Kiên kể.
Song đến chiều ấy đi làm về, tắm giặt ăn uống xong, Kiên hỏi Vân đã mua đồ thắp hương chưa. Vân ớ người hỏi lại chồng: "Mai là ngày gì mà lại thắp hương hả anh?".
Nghe vợ nói thế, Kiên giận tím mặt vì ngày giỗ ông nội chồng mà Vân lại không nhớ. Thế là anh mắng cô xối xả: "Em làm dâu cái kiểu gì thế? Ngày giỗ bên nhà chồng mà em cũng quên được à? Có phải mới làm dâu năm đầu đâu. Em vào tra lại lịch xem mai là ngày gì?".
Vợ nhận sai nhưng Kiên vẫn tức giận trách cô: "Không biết bao giờ em mới biết lo trọn bổn phận làm dâu. Em nhìn mẹ anh đó, bao nhiêu năm lấy bố, chưa bao giờ bà chểnh mảng việc nhà chồng. Lúc nào mẹ cũng lo chỉn chu mọi thứ. Giá em được bằng 1 phần của mẹ thì anh cũng hãnh diện".
Kiên kể rằng khi đó anh cũng chỉ bộc phát nói trong nóng giận. Không ngờ vợ anh phản ứng cực gay gắt: "Phải, em thừa nhận không thể sánh bằng mẹ song anh đã bao giờ anh nhìn nhận lại bản thân anh chưa. Nếu anh được như bố thì em sẽ có thể chỉn chu, hoàn hảo được như mẹ đó.
Chẳng lẽ anh không nhận ra, bên mẹ lúc nào cũng có bố đồng hành. Chưa bao giờ bố để mẹ 1 mình làm mọi thứ. Bà nấu cơm, ông nhặt rau quét nhà. Bà chăm cháu ông dọn sân. Bà ốm, ông lo mất ăn mất ngủ.
Còn em đầu tắt mặt tối một mình, chồng đi làm về vắt chân xem tivi. Vợ phục vụ không kịp lại mắng nhiếc, mang so sánh hết người này người kia. Có bao giờ anh để ý tới cảm giác của em không? Ngày hôm nay, em quên ngày giỗ cũng vì em quá nhiều việc. Con sốt từ sáng, nhắn tin cho anh thì anh bảo em tự lo. Em có 3 đầu 6 tay cũng không nhớ hết được mọi ngày tháng theo yêu cầu của anh".
Giọng Vân nấc nghẹn trong nước mắt khiến Kiên thẫn thờ: "Tôi bất ngờ nhận ra những lời vợ nói không sai. Đúng là bố tôi luôn đồng hành bên mẹ còn tôi đối với vợ thì không. Tôi chưa bằng 1 phần bố, lấy tư cách gì mang vợ so sánh với mẹ. Đúng là tôi ích kỷ".
Kiên cũng chia sẻ thêm, sau hôm đó anh chính thức kiểm điểm lại bản thân để tự mình thay đổi. Biết lắng nghe, chia sẻ với vợ là những điều anh sẽ, đang và tiếp tục làm vì anh hiểu, bản thân anh có hoàn hảo, anh mới có thể khiến vợ anh hoàn hảo trong mắt mình.
Câu chuyện của Kiên khiến nhiều cánh mày râu nhận ra bóng hình mình trong đó. Không chỉ Kiên mà rất nhiều người đang lầm tưởng về vai trò "to lớn" của đàn ông chỉ là lo kiếm tiền. Trong khi thực tế, vợ các anh lại cần chồng biết sẻ chia cùng mình từ những việc giản đơn nhất. Đổi lại họ sẵn sàng đồng hành cùng các anh làm những việc lớn lao, kể cả họ phải hi sinh mọi thứ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn