Theo tờ The Local, người lao động ở Thụy Điển được hưởng nhiều quyền lợi lớn, đặc biệt là những quyền lợi liên quan tới việc nghỉ ngơi.
Tin được không? Bạn thực sự sẽ nhận được tiền thưởng vì... không đi làm.
Chính xác thì hầu hết nhân viên các công ty ở Thụy Điển đều được nhận "phụ cấp kỳ nghỉ" hoặc "lương kỳ nghỉ" khi họ nghỉ phép hàng năm.
Theo quy định, các doanh nghiệp ở Thụy Điển đều phải cho nhân viên tối thiểu 25 ngày nghỉ phép có lương hàng năm. Một số công ty thậm chí còn cho nhân viên nghỉ nhiều hơn, đây được xem là ưu ái dành cho các nhân viên đã gắn bó lâu dài với công ty.
Đây là kỳ nghỉ được trả lương, vì vậy nhân viên được trả lương bình thường cho những ngày nghỉ đó. Ngoài ra, họ còn nhận được một khoản tiền phụ cấp nhỏ. Khoản phụ trội này sẽ được tính theo phần trăm tiền lương hàng tháng của bạn.
Tùy thuộc vào hình thức hợp đồng lao động của bạn, số tiền này có thể sẽ được thanh toán mỗi năm một lần hoặc được cộng vào tiền lương hàng tháng của bạn (thường được trả vào tháng sau kỳ nghỉ).
Tờ The Local cho hay, quy định này ở Thụy Điển xuất phát từ hai lý do liên quan tới lịch sử và kinh tế.
Phụ cấp kỳ nghỉ ban đầu được áp dụng cho những người lao động có mức lương thay đổi, ví dụ như người làm việc theo giờ hoặc thuộc diện hưởng hoa hồng. 12% tổng số tiền lương trong năm sẽ được cấp cho các lao động này để đảm bảo rằng những người không có hợp đồng lao động chính thức vẫn được nghỉ ngơi đầy đủ. Khoản phụ cấp thường được thanh toán theo từng năm cho các đối tượng lao động trên.
Tới năm 2010, Đạo luật Nghỉ phép Hàng năm của Thụy Điển đã được cập nhật, trong đó có điều khoản trả phụ cấp kỳ nghỉ cho những người lao động hưởng lương cố định để họ không bị thiệt thòi.
Theo luật này, người lao động có mức lương cố định sẽ nhận được 0.43% tổng tiền lương hàng tháng cho mỗi ngày nghỉ phép, và khoản tiền này sẽ được thanh toán cho người lao động vào tháng sau kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, nhiều thỏa thuận thương lượng tập thể cho rằng người lao động nên nhận được tỷ lệ phần trăm cao hơn trong tổng số tiền lương hàng tháng. Vì thế, nếu nơi làm việc của bạn tại Thụy Điển có thỏa thuận riêng như thế này thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp cao hơn.
Tuyệt vời hơn cả là các thỏa thuận thương lượng tập thể chỉ có thể thay thế quy định của nhà nước nếu chúng đưa ra các điều kiện có lợi hơn cho người lao động.
Đến thời điểm hiện tại, phụ cấp kỳ nghỉ đã trở thành quy ước ở Thụy Điển, khuyến khích các nhân viên tận hưởng kỳ nghỉ của họ.
Đặc biệt, vào các năm tài khóa, bạn bắt buộc phải nghỉ tối thiểu 20 ngày trong năm, nhưng có thể chừa lại 5 ngày (hoặc nhiều hơn nếu công ty quy định số ngày nghỉ dài hơn) và có thể nhận được tiền từ số ngày nghỉ chưa sử dụng hết của mình khi kết thúc công việc ở công ty hiện tại. Số tiền này gọi là "tiền bồi thường cho kỳ nghỉ".
Có thể nghỉ 6 tháng để tự thành lập công ty
Thụy Điển, với dân số hơn 10 triệu người, đã nổi tiếng là một trong những quốc gia đổi mới nhất ở châu Âu trong những năm gần đây. Đó là nhờ nước này phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, văn hóa hợp tác và xây dựng được mạng lưới an sinh xã hội lớn hơn nhiều quốc gia khác.
Vào mùa hè, chính phủ Thụy Điển còn chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp cho những ai muốn vào rừng khám phá và nghỉ ngơi. Đường sắt Thụy Điển sẽ phát hành vé giảm giá đặc biệt Summer Ticket để khuyến khích người dân đi ra ngoài chơi.
Theo BBC, tại Thụy Điển trong hơn 2 thập kỷ qua, người lao động toàn thời gian cố định, với công việc ổn định, còn có quyền nghỉ không lương 6 tháng để thành lập công ty riêng (hoặc để học tập/chăm sóc người thân).
Các ông chủ chỉ có thể từ chối nếu công ty đang có những hoạt động quan trọng khiến họ không thể đảm đương được hết nếu thiếu nhân viên, hoặc công ty khởi nghiệp của nhân viên xin nghỉ được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với công ty mà họ đang làm việc.
Khi trở lại công ty cũ, nhân viên vẫn được giữ nguyên vị trí làm việc trước đó.
Một số nhà quan sát cho rằng các nhà tuyển dụng nước ngoài tại Thụy Điển có thể sẽ không mấy sẵn lòng cho người lao động quay lại công việc cũ sau 6 tháng nghỉ không lương để mở công ty riêng.
Những nhân viên này có thể sẽ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi xét tới triển vọng nghề nghiệp hoặc mức lương tương lai. Tuy nhiên, ở Thụy Điển, nếu chủ doanh nghiệp có những thành kiến đó với người lao động, họ được xem là vi phạm pháp luật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn