Quốc hội băn khoăn khi trẻ em cướp, hiếp, bắt cóc người

07:01 | 22/10/2016;
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc có nên xử lý hình sự một số hành vi cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm của trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, đã đề xuất không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với 3 hành vi là “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (Điều 134), “hiếp dâm” (Điều 139), “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (Điều 169).

Các đại biểu có những ý kiến trái chiều về nội dung này tại phiên thảo luận tại tổ ngày 21/10.

tren-vi-thanh-nien-pham-toi.jpg
 Nhóm trẻ phạm tội cướp đoạt tài sản (Ảnh minh họa)

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn ĐBQH Hà Nội, việc quy định phạm vi xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cần được xem xét, nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định. Thực tế có những tổ chức khủng bố đã nhắm vào đối tượng trẻ em không phải chịu trách nhiệm hình sự để huấn luyện, sử dụng vào mục đích khủng bố.

Các đại biểu Bùi Huyền Mai, Đào Quang Hải, Nguyễn Hữu Chính, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, chung nhận định: Xu hướng phạm tội của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngày càng tăng và tính chất nghiêm trọng ngày càng nhiều. Để đảm bảo sự công bằng trong xử lý tội phạm, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cũng như hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nên giữ lại phạm vi các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định. Cụ thể là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Các đại biểu cũng cho rằng, không nên liệt kê một số loại tội cụ thể như Bộ luật Hình sự năm 2015.

trai-giao-duong-tre-pham-toi.jpg
 Trẻ phạm tội  trong trung tâm giáo dưỡng (Ảnh minh họa)

Còn Luật sư Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc Hà Nội, khẳng định: “Thay vì xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với trẻ em thì cần đề cao đến trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục các em”.

Đồng quan điểm, ông Trương Minh Hoàng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đồng tình với không xử lý hình sự với 3 hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.

Tuy nhiên đại biểu Hoàng nêu băn khoăn, trong dự thảo có nêu những danh mục hành vi phạm tội, khi phát sinh những hành vi phạm tội mới trong luật chưa có thì sẽ khó xử lý. Đồng thời, đại biểu này cũng kiến nghị nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và gia đình của trẻ phạm tội.

Trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Về phạm vi các tội mà trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban tán thành với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Qua đó, quy định này cũng nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn