Hôm nay, 11/11/2024, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để phục vụ đồng bào và cử tri theo dõi.
Trước đó, chiều 7/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo chương trình, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 sẽ được tiến hành trong hai ngày 11-12/11, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Cụ thể, với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội tập trung chất vấn về: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cũng theo dự kiến chương trình, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, thực hiện quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Theo đó, để đảm bảo sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn.
Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút và kiến nghị mỗi câu hỏi tập trung vào 1 vấn đề tâm đắc nhất, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc 3 lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và truyền thông.
Đại biểu được tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; đại biểu không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 02 phút, thời gian trả lời không quá 03 phút cho mỗi câu hỏi.
Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội sẽ được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện các bộ, ngành đã phát biểu, trao đổi làm rõ những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị và cách thức tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội và báo chí quan tâm, theo dõi và kỳ vọng.
“Đây là hoạt động thường xuyên của Quốc hội được tiến hành theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy Kỳ họp Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ đối với đất nước, với Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và Nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm trả lời tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đó, có phương pháp, cách thức, trả lời “trúng và đúng”, thẳng vào nội dung chất vấn của các ĐBQH, đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện tài liệu, chuẩn bị chu đáo các điều kiện về trang thiết bị âm thanh kỹ thuật, phục vụ tốt nhất cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi về phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông đều là những vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm.
Trong 3 nhóm vấn đề chất vấn lần này, tôi quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Trong bối cảnh thị trường vàng biến động hết sức phức tạp như những tháng vừa qua, nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối những tháng còn lại của năm 2024 và định hướng cho năm 2025 là hết sức cần thiết nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp; Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp…
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, hy vọng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới. Đồng thời linh hoạt trong điều hành các công cụ và giải pháp chính sách phù hợp với diễn biến thực tế.
Tôi hy vọng, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tọa Phiên họp, phần chất vấn của các ĐBQH sẽ súc tích, đi thẳng trọng tâm, các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành sẽ trả lời trúng vấn đề, đưa ra được giải pháp căn cơ để tháo gỡ điểm nghẽn trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm: 3 nhóm lĩnh vực chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đều đã nhận được báo cáo của các ngành ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Trong đó, các báo cáo đã thể hiện nỗ lực của các ngành đối với những vấn đề được phân công giải quyết tại các Nghị quyết về các vấn đề chất vấn mà các kỳ họp trước đã được Quốc hội thông qua.
Trong 3 nhóm vấn đề chất vấn, tôi quan tâm nhất tới vấn đề của Bộ Y tế, cụ thể là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giấy phép hành nghề.
Bởi lẽ đây là vấn đề mà nhiều cử tri đang quan tâm, hoạt động này cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đặc biệt là khám chữa bệnh trong lĩnh vực tư nhân, góp phần kiểm soát giấy phép giả, giấy phép hết hạn, khám chữa bệnh kém chất lượng…
Đồng thời, tôi cũng quan tâm về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Tuy nhiên, vấn đề này đã được báo cáo của Bộ Y tế giải trình cơ bản rõ ràng, súc tích.
Thời gian qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã cơ bản được khắc phục tuy nhiên vẫn chưa triệt để.
Đối với tình trạng thiếu thuốc chưa được giải quyết, tôi kỳ vọng sắp tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện được cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế nhằm đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ở lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, nhất là thực trạng hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất sôi động và ảnh hưởng ngày càng lớn trong thời gian gần đây.
Kiến nghị giải pháp cho lĩnh vực này, hy vọng Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ phối hợp với các ngành liên quan như ngành văn hóa, ngành công an, công thương… để thực hiện một “bộ lọc” - thẩm định chất lượng các sản phẩm mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, từ đó, có giải pháp xử lý phù hợp, nếu cần, có thể thực hiện các giải pháp “mạnh tay” để người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình tham gia quảng cáo.
Tôi tin tưởng, đây sẽ là Phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất chất lượng, sôi động, bởi lẽ cả người được chất vấn và người chất vấn đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nội dung chất vấn là những vấn đề rất thời sự mà cuộc sống đặt ra tại thời điểm này trong bối cảnh kinh tế nước ta phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế, chính trị thế giới; xã hội biến đổi với nhiều hình thức thông tin, truyền thông đặt ra những yêu cầu cho hoạt động báo chí, tuyên truyền; dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ khó khăn, thách thức cho ngành y tế…
Tôi kỳ vọng rằng, các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành tham gia chất vấn sẽ có cơ hội giải trình, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị chất lượng từ đại biểu Quốc hội, cử tri để tiếp tục thực hiện những công việc còn dang dở, đặc biệt là cơ hội cho các ngành phối kết hợp với các ngành liên quan, hoàn thành tốt công việc được phụ trách để về đích trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ.
Đại biểu Lương Văn Hùng chia sẻ: Trong 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, tôi quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, nhất là công tác quản lý nhà nước về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thực tế hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có khái niệm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” và cũng chưa có cơ chế pháp lý quản lý vấn đề này, chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để kịp thời ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới (gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) gây ra…
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, đây là những sản phẩm độc hại, gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Cùng với đó, đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, tình trạng quảng cáo các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet, qua các mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử diễn ra phổ biến, quảng cáo tràn lan, sai sự thật, khó kiểm soát trong thời gian qua, do đó, người tiêu dùng dễ mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xử, không đảm bảo an toàn, chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe và túi tiền của người dân…
Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì khi gặp bão lớn như bão Yagi vừa qua gây mất thông tin liên lạc trên diện rộng, mức độ kiên cố của hạ tầng viễn thông chưa cao…
Đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng, với sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, chất vấn của các ĐBQH ngắn gọn, đúng trọng tâm, sự dạn dày kinh nghiệm của và am hiểu sâu lĩnh vực mình quản lý của các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này sẽ diễn ra sôi nổi, đáp ứng được kì vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Trong tuần làm việc, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước); Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Từ ngày 14/11 đến hết ngày 19/11/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn