Quốc hội "chốt" mua sắm tập trung thuốc hiếm nhằm đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh

10:45 | 23/06/2023;
Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít.

Sáng 23/6, với 460/474 tán thành, bằng 93,12% số đại biểu có mặt, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Dự thảo luật vừa thông qua quy định, trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, theo thông lệ quốc tế, mua sắm tập trung thường áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Việt Nam, đối với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị, nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp (do số lượng ít, không hấp dẫn các nhà cung cấp).

Do vậy, dự thảo luật đã bổ sung trường hợp mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định đối với trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng được điều kiện đàm phán giá thì được áp dụng hình thức đàm phán giá. Dự thảo luật vừa thông qua cũng bổ sung quy định trường hợp hàng hóa dịch vụ nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại thì có thể gộp thành gói thầu để một cơ quan thực hiện mua sắm tập trung.

Quốc hội "chốt" mua sắm tập trung thuốc hiếm nhằm đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Đấu thầu

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật đấu thầu; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.

Đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật, bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Về hình thức chỉ định thầu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Dự thảo cũng luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Liên quan đến giá gói thầu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định "Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu" tại dự thảo luật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn