Quốc hội "chốt" quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

15:08 | 17/06/2020;
Chiều nay (17/6), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Trong đó, vấn đề được đông đảo người dân, cử tri quan tâm là quy định liên quan tới đòi nợ thuê cũng được Quốc hội tiến hành biểu quyết "chốt" phương án "cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều nay (17/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% số đại biểu có mặt tán thành thông qua dự thảo Luật này.

Trong đó, nội dung được đông đảo cử tri, nhân dân cả nước quan tâm là những quy định liên quan tới "đòi nợ thuê" được quy định trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Báo cáo  giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật này trước nghị trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đa số ý kiến đại biểu đề nghị cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại điểm h khoản 1 Điều 6.

Quốc hội "chốt" quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Ảnh 1.

Tín dụng đen và đòi nợ thuê gây hoang mang, bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ảnh minh họa

Theo đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua từng phần nội dung trong dự thảo còn có ý kiến khác nhau, trong đó đa số đại biểu có mặt thống nhất biểu quyết thông qua với nội dung cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

Với quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 15 và Điều 16), theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định về đối tượng được ưu đãi đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh tràn lan, theo định hướng  phát triển các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, các vùng kinh tế có tác động lan tỏa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước.

Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).

Đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn