Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề: Phòng chống dịch Covid-19 và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia

16:04 | 06/06/2022;
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 6/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết về Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Trong đó, 88,18% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Nội dung giám sát tại Kỳ họp thứ 5

Theo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". 

Cùng với đó, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn...

Nội dung giám sát tại Kỳ họp thứ 6

Tại Kỳ họp thứ 6, nội dung giám sát của Quốc hội có một số nội dung nổi bật, được cử tri, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm như:

Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030";

Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

Đồng thời, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Kết quả hoạt động và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá 2 năm 2021-2022...

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát. Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Quốc hội giám sát tối cao 2 chuyên đề: Phòng chống dịch Covid-19 và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Với chuyên đề 1, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61,94%). Kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn. Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng; do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đồng thời, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao với việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo ông Bùi Văn Cường, tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cũng như triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo. Do đó, việc lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao là rất cần thiết, nhằm mục đích nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ kịp thời, giúp cho việc thúc đẩy triển khai chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao với 2 chuyên đề theo đa số ĐBQH biểu quyết lựa chọn. Cụ thể:

Có 61,94% ĐBQH lựa chọn Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng;

Có 59,46% ĐBQH lựa chọn Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn