Quốc hội thảo luận quyền sở hữu trí tuệ với Quốc ca, Quốc kỳ

12:34 | 31/05/2022;
Tại phiên họp sáng 31/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã dành thời gian thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam đã được quy định tại Điều 13 Hiến pháp 2013. BLHS 2015 và Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Hiện nay, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết.

Quốc hội thảo luận quyền sở hữu trí tuệ với Quốc ca, Quốc kỳ - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV sáng 31/5

Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật cũng như nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ), đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau: "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca".

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, việc không kiểm soát an ninh đối với sáng chế "được tạo ra một phần tại Việt Nam" là chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ bị lợi dụng. Quy định "sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng" có phạm vi rất rộng, nếu không quy định cụ thể sẽ gây khó khăn cho chủ thể phát minh sáng tạo. Do đó, đề nghị bổ sung kiểm soát đối với "sáng chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội" để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, biện pháp kiểm soát an ninh được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp bổ sung bên cạnh quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm kiểm soát việc đăng ký các sáng chế có khả năng được xác định là sáng chế mật ra nước ngoài theo cơ chế sáng chế thông thường.

Việc xác định phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế cần phải được cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tránh ảnh hưởng giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Hơn nữa, việc này không nên quy định cứng trong Luật mà cần được điều chỉnh linh hoạt bằng văn bản dưới Luật theo từng thời kỳ, sẽ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Làm rõ quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả

Về quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu có xảy ra. Về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, đại biểu cho rằng những nội dung hướng dẫn cụ thể các trường hợp ngoại lệ có thể giao quy định chi tiết, đồng thời cũng có thể điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quốc hội thảo luận quyền sở hữu trí tuệ với Quốc ca, Quốc kỳ - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn