Sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2021. Tỷ lệ ĐBQH tán thành là 430/437 – đạt 89,21%. Có 7 ĐB không tán thành và 2 ĐB không tham gia biểu quyết.
Một số chỉ tiêu quan trọng được Quốc hội thông qua bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
Một số chỉ tiêu quan trọng khác được Chính phủ đề ra nhận được nút thông qua của Quốc hội như: tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%...
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình về ý kiến khác nhau của ĐBQH liên quan đến GDP. Theo đó, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.
Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát "tập trung thực hiện mục tiêu kép" thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Có ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức "đạt", không ghi "khoảng".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến giáo dục, nhiều ĐBQH có ý kiến về việc các giải pháp về giáo dục còn ít, cần bổ sung, thể hiện rõ hơn quan điểm về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 6 của dự thảo Nghị quyết đã nêu nội dung "Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và "nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới".
Đây là hai nghị quyết chuyên đề, đã thể hiện khá đầy đủ, chi tiết các nội dung; trên cơ sở này, Chính phủ sẽ chỉ đạo để triển khai cụ thể trong thực tế, theo cơ quan này.
Ngoài ra, liên quan đến cho vay qua app trực tuyến được nhiều ĐBQH kiến nghị về việc cần bổ sung giải pháp, chính sách quản lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về nội dung về giải pháp, chính sách quản lý cho vay đã được khái quát chung, thể hiện tại nhiệm vụ, giải pháp thứ 3, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, về ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn