Đối với người dân Mỹ, ngày Quốc khánh 4/7 hàng năm, các màn trình diễn pháo hoa, lễ diễu hành, lễ hội carnival, các hội chợ, buổi hòa nhạc, các trận thi đấu thể thao, các chương trình đối thoại chính trị sẽ được tổ chức ở các bang trên đất Mỹ. Thủ đô Washington DC tổ chức cuộc diễu hành lớn gồm cả diễu binh, xe hoa, băng rôn và rất nhiều công dân Mỹ ra đường để chung vui trong ngày lễ trọng đại này. Người Mỹ cũng trưng bày và mang các biểu tượng quốc gia để ăn mừng. Họ mặc trang phục màu đỏ, trắng và xanh, trang trí tường với sao và sọc như lá quốc kỳ. Người dân Mỹ thường tổ chức những buổi dã ngoại gia đình, tiệc nướng ngoài trời thể hiện truyền thống tự do dân chủ của đất nước.
Năm nay, 328 triệu người Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nhưng không khí trầm lắng đang bao trùm nước Mỹ vì dịch bệnh. Dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia chịu tác động mạnh nhất vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Dù Tổng thống Donald Trump liên tục khẳng định "Covid-19 sẽ biến mất", song nhiều bang ở Mỹ đang chứng kiến ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại. Ngày 3/7, Mỹ ghi nhận thêm hơn 51.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ, mức kỷ lục từ khi dịch bùng phát. Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều bang phải dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế và siết chặt thêm nhiều biện pháp hạn chế.
Vào ngày Quốc khánh lần thứ 244 (4/7/1776 - 4/7/2020), từ bang Atlanta, bang Georgia đến thành phố San Diego (bang California), hàng trăm buổi trình diễn pháo hoa đã bị hủy vì các quan chức hạn chế các cuộc tụ họp lớn trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi các ca nhiễm bệnh gia tăng trên khắp nước Mỹ. Nhiều người Mỹ buộc phải bắn pháo hoa ở sân sau và trong các bữa tiệc nhóm. Pháo hoa cá nhân đã được bán với số lượng lớn. Pháo hoa là một trò giải trí cho những người bị mắc kẹt tại nhà trong đại dịch. Bang California cho các nhà hàng mở cửa nhưng chỉ được bán đồ ăn mang đi.
Lễ mừng Quốc khánh năm 2020 giảm quy mô chỉ bằng 1/4 so với các năm trước và bao gồm biện pháp giãn cách xã hội. Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowser nói rằng, sẽ không có diễu hành tại thủ đô. Bà Bowser phát biểu với các phóng viên: "Diễu hành ngày Quốc khánh đã bị hủy". Còn Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nêu rõ: "Như Tổng thống Donald Trump từng nói, sẽ có lễ mừng ngày Quốc khánh trong năm nay và khác biệt hơn so với 2019 để đảm bảo an toàn và sức khỏe của những người tham gia. Người dân Mỹ đã thể hiện dũng cảm và tinh thần trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 như điều tổ tiên chúng ta đã làm để bảo vệ độc lập và cả hai điều này xứng đáng được ăn mừng trong ngày khai sinh nước Mỹ năm nay".
Cục Thống kê lao động Mỹ vừa thông báo, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra kỷ lục 4,8 triệu việc làm trong tháng 6, con số cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Điều này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm đáng kể xuống còn 11,1%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chứng kiến số lượng việc làm mới được tạo ra sau khi hơn 20 triệu việc làm đã biến mất trong tháng 4 do các lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Việc mở cửa lại nền kinh tế cũng đang giúp giảm bớt gánh đối với thị trường lao động Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong tình trạng suy thoái sâu và thị trường lao động vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn để có thể hồi phục hoàn toàn. Hiện Mỹ vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thất nghiệp và hàng triệu người ở nước này vẫn phải phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ. Theo dự báo, GDP của Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, chính quyền Trump đang đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn chặn làn sóng phá tượng đài, di tích lịch sử tại quốc gia này. Bộ An ninh nội địa Mỹ buộc phải triển khai lực lượng đặc nhiệm liên bang trên toàn quốc nhằm bảo vệ các di tích, tượng đài trước làn sóng phá hoại mới. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đang điều tra hàng trăm đối tượng có hành vi phá hoại tượng. Tổng thống Donald Trump đã phải ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đập phá những công trình kiến trúc, lịch sử. Hình phạt có thể lên tới 10 năm tù với những ai cố tình phá hoại.
Chính quyền thành phố Ohio đã buộc phải tháo dỡ bức tượng Christopher Columbus, người có công khám phá ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ XV, nhằm tránh nguy cơ bị đập phá. Một số người quá khích cho rằng, Christopher Columbus đã buôn nô lệ và phạm tội diệt chủng chống lại người da đỏ bản địa ở châu Mỹ. Đây chỉ là một trong số hàng trăm tượng đài nhân vật lịch sử trên khắp nước Mỹ có nguy cơ bị phá hoại khi những người phản đối cho rằng các biểu tượng này cổ súy cho nạn phân biệt chủng tộc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn