"Giới thiệu giáo dục sáng tạo trong giáo dục mầm non: Hướng tiếp cận Reggio Emilia Aproach®” là nội dung của buổi tọa đàm diễn ra chiều 9/10 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu “hướng tiếp cận phương pháp giáo dục mầm non Reggio Emilia” rộng rãi tới các nhà giáo dục, quản lý trong lĩnh vực giáo dục mầm non Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, cách tiếp cận Reggio Emilia đã được nhà sư phạm Loris Malaguzzi phát triển tại thành phố thuộc Reggio Emilia, Italia và hiện nay đã phổ biến tại 140 quốc gia bao gồm cả Việt Nam.
Đây là phương pháp giáo dục dựa trên việc phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ, tôn trọng và yêu thương trẻ thơ, tạo điều kiện tốt nhất về môi trường để trẻ trải nghiệm và phát triển.
"Có một điểm ưu việt mà tôi cho rằng khá phù hợp, tương đồng với giáo dục mầm non của chúng tôi hiện nay là quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" - bà Minh nhấn mạnh.
Theo bà, cách tiếp cận này thông qua những vật dụng giản dị trong thiên nhiên, như cây cỏ và đất sét, hoa lá, củ quả... và cách thiết kế môi trường gần gũi, thân thiện, tinh tế, giàu tình cảm, tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, phát triển tình cảm, ngôn ngữ... và đặc biệt không tốn chi phí cho việc mua các trang thiết bị.
"Như vậy có thể vận dụng cách tiếp cận này cho các trường ở những vùng điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, là một lợi thế so với một số phương pháp giáo dục mầm non yêu cầu nhiều giáo cụ, học liệu”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá.
Tại buổi tọa đàm, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý mầm non đã chia sẻ những khó khăn khi gặp phải hướng tiếp cận quốc tế và cách áp dụng vào Việt Nam làm sao cho phù hợp.
Đồng thời, giáo viên cũng đặt vấn đề này với đơn vị quản lý khi sử dụng phương pháp quốc tế được công nhận. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra khi Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục mầm non trong giai đoạn tới đây.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang trong giai đoạn tổng kết 10 năm giáo dục mầm non và nỗ lực tiếp cận các phương pháp giáo dục mầm non quốc tế để xây dựng chương trình giáo dục mầm non trong giai đoạn 10 năm tới. Vì vậy, để chính các giáo viên được tiếp cận, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm là điều rất quan trọng để xây dựng một chương trình mới, giai đoạn 2020-2030.
Bà cũng đề nghị Viện Khoa học giáo dục, các trường sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non và cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp giáo dục tiến bộ này, để có thể vận dụng phù hợp vào tình hình thực tế giáo dục mầm non Việt Nam một cách phù hợp, hiệu quả.
“Chúng ta luôn khuyến khích những mô hình mới, hy vọng những cơ sở giáo dục mầm non tiếp cận, xem xét nghiên cứu để đưa vào những nơi có điều kiện đầu tư hợp tác nước ngoài. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Còn theo ông Bùi Vu Thanh - Chủ tịch Tổ chức Embassy Education, nhà sáng lập Global Embassy, phương pháp Reggio Emilia đã ra đời từ những năm 1940 và không còn xa lạ với các bậc phụ huynh vì được áp dụng tại khá nhiều trường mầm non quốc tế.
"Phương pháp này hướng đến việc 'giáo dục sáng tạo'. Nó đặt năng lực sáng tạo của đứa trẻ vào trung tâm của việc học, và mang tất cả những phương pháp sư phạm, những kinh nghiệm, nguồn lực để kích hoạt và phát triển nhận thức của các em" - ông nhấn mạnh.
Sự kiện do Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Tổ chức Reggio Children (Ý) phối hợp cùng Global Embassy tổ chức, thu hút hàng trăm cán bộ, quản lý giáo dục mầm non các tỉnh, thành phố phía Bắc dự và trao đổi kinh nghiệm.
Vốn được áp dụng tại các trường công lập tại Ý, nên phương pháp Reggio Emilia Approach có thể được áp dụng ở bất kì nơi đâu, từ công lập đến tư thục, ở nơi có điều kiện hay không có điều kiện, thành thị hay vùng sâu vùng xa, đồi núi hay đồng bằng. Những nguyên vật liệu, dụng cụ học tập được các trường vận động quyên góp từ các nhà máy, gia đình, cộng đồng.
Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bắt đầu từ lớp 1. Đối chiếu với những nội dung của chương trình GDPT mới, hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach nói riêng và giáo dục sáng tạo nói chung sẽ giúp học sinh phát triển và đạt được những tiêu chí đã vạch ra của Bộ GD&ĐT, theo những tiêu chuẩn khoa học một cách sáng tạo hơn, trang bị những kỹ năng để học sinh có thể giải quyết các vấn đề của tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn