Quỹ bảo trợ trẻ em hướng đến hỗ trợ trẻ bị xâm hại tình dục

14:04 | 05/05/2017;
Nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng mở rộng theo sự phát triển của xã hội, đặc biệt là nhóm trẻ bị xâm hại tình dục. Việc giúp đỡ cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, xã hội, để tổ chức cả quá trình phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý, tư vấn cho trẻ.
 Tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ BTTE, thay mặt Đảng và Nhà nước, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể và cá nhân có đóng góp nổi bật cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (BTTE) ngày 4/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao chặng đường kiên trì và bền bỉ của Quỹ để thực hiện nhiệm vụ to lớn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Từ khi thành lập năm 1992 đến nay, Quỹ BTTE các cấp đã huy động được 5.452 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ làm thay đổi cuộc đời trên 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình, làm dịu bớt nỗi đau của hàng chục vạn trẻ em khuyết tật.

Trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch nước khẳng định vẫn còn tồn tại những hạn chế, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, gây bức xúc trong xã hội. Hiện nay cả nước vẫn còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, Quỹ BTTE các cấp cần đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục là địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam


Trước đó, tại buổi họp báo về lễ kỷ niệm này, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng: Nhóm trẻ đặc biệt ngày càng mở rộng hơn theo sự phát triển của xã hội. Vì vậy, hình dung chặng đường trước mắt của Quỹ BTTE cũng phải đổi mới từ cách vận động đến hình thức hỗ trợ cho trẻ. Đặc biệt là các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTE, Bên cạnh 9 nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, hiện nay có những vấn đề mới, như trẻ tự kỷ, trẻ bị xâm hại tình dục...

 Giao lưu với các trẻ hoàn cảnh đặc biệt có thành tích học tập, vương lên trong cuộc sống, được Quỹ BTTE hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian qua

Riêng với trẻ em bị xâm hại tình dục là nhóm trẻ rất đặc biệt. Quỹ BTTE luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời thông qua Quỹ ở các địa phương. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nhóm trẻ bị xâm hại, theo ông Tiến, quan trọng nhất là phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em; nếu chỉ có Quỹ thì không thể làm được. Khi sự việc xảy ra, việc cần thiết nhất là hỗ trợ về vấn đề tâm lý trẻ, tư vấn cho gia đình. Vì vậy, rất cần các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm cùng chung tay vào cuộc hỗ trợ, nâng đỡ các em vượt qua.

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn