Ngày 9/8, Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức buổi đối thoại giữa đại diện Bộ LĐ-TB&XH với các doanh nghiệp Hàn Quốc về lao động và BHXH. Được biết, hiện nay doanh nghiệp Hàn Quốc đang sử dụng tới 1 triệu lao động người Việt Nam. Buổi đối thoại có ý nghĩa quan trọng để các doanh nghiệp nắm rõ các quy định, chính sách về lao động, BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam.
Tại buổi đối thoại, chủ doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ băng khoăn về các khoản tiền lương, phụ cấp để tính đóng BHXH bắt buộc. Giải đáp vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết thu nhập của người lao động gồm “Mức lương theo công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương”, “phụ cấp lương” và các “khoản bổ sung khác” để tính đóng BHXH.
Trong đó, “Phụ cấp lương” là khoản bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa tính đến/chưa tính đầy đủ ở trong mức lương. Nó gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động. Trong đó có: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; khu vực; phụ cấp lưu động; thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các chủ doanh nghiệp đặc biệt băn khoăn với phần “Các khoản bổ sung khác” để tính vào lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. “Các khoản bổ sung khác” được hiểu là các khoản xác định được mức tiền cụ thể; được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì sẽ được tính vào tiền lương để tính đóng BHXH. Ngoài ra, các khoản không xác định được mức tiền, có tính chất nhất thời, không thường xuyên thì không được tính vào tiền lương để đóng BHXH.
Ông Trần Hải Nam cho biết: Thiết kế thang bảng lương cho người lao động thể hiện ở mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó phải xác định khoản nào được trả thường xuyên, ổn định; khoản nào không được trả thường xuyên. Qua đó, cơ quan BHXH có căn cứ để xác định các khoản thu nhập phải tính đóng và khoản không phải tính đóng BHXH.
Ông Hải Nam nhìn nhận cách xác định này khá rắc rối và khó hiểu với nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, “gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương của người lao động”. Theo ông Nam, trong thời gian tới, sẽ định hướng sửa đổi quy định này tính tiền lương trên cơ sở tỷ lệ tổng thu nhập của người lao động làm căn cứ tính đóng BHXH.
Với những câu hỏi cụ thể của các doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại, ông Trần Hải Nam cho biết: trường hợp trả phụ cấp làm thêm giờ phụ thuộc vào thời giờ làm thêm của người lao động và không có tính chất trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương, thì tiền làm thêm giờ không được tính đóng BHXH.
Cạnh đó, các lao động thử việc, chưa ký kết hợp đồng lao động chưa được đóng BHXH; với các lao động thời vụ (lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là lao động thời vụ) sẽ phải đóng BHXH bắt buộc.