Quy định minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh

22:25 | 28/05/2019;
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thảo luận ở Tổ về hai dự án luật trên.

Tạo hành lang pháp lý để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, trong đó nêu rõ mục tiêu của Luật là xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên.

 

ttxvn_luatxuatnhapcanh.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Bắc Ninh, An Giang, Bạc Liêu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

 

Việc ban hành Luật cũng góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Luật; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến góp ý của một số đại biểu về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng của dự thảo Luật để rà soát, chỉnh lý nội dung cho phù hợp; giải quyết hài hòa, hợp lý chủ trương xây dựng, tổ chức lực lượng dự bị động viên hùng hậu nhưng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, bám sát tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay.

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, đại biểu Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) bày tỏ sự thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Đại biểu Nghĩa khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên trong thời điểm này rất cần thiết.

Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1996, sau hơn 20 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thực hiện xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo đại biểu, qua thời gian thực hiện ở các địa phương, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước cũng như quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số nội dung của pháp lệnh chưa được thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đại biểu chỉ rõ: “Có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên như là Luật Quốc phòng, Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự… và nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở các văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, có nội dung chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa được đầy đủ nên quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

Cho ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) khẳng định sự cần thiết của việc quy định số lượng dự phòng đối với các đơn vị dự bị động viên. Theo đại biểu, quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có đủ tỷ lệ dự phòng thích hợp nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, kịp thời về nguồn dự bị động viên trong sắp xếp, huy động, thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống.

Quản lý, quy định cụ thể việc cấp và sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

Cũng trong chiều 28/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Về dự án Luật này, Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.

 

ttxvntolam.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh thảo luận tại tổ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thời gian qua.

Dự thảo Luật này và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khác nhau về đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ được cấp và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước… nên đề nghị không hợp nhất.

Thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành với sự cần thiết của việc ban hành Luật, qua đó góp phần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Theo đại biểu, việc quy định cụ thể, tách bạch đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ là rất cần thiết.

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung các quy định về sử dụng hộ chiếu, vì cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông nhưng chưa quy định các trường hợp được sử dụng đối với mỗi loại hộ chiếu; đề nghị bổ sung quy định về hình thức, nội dung và thời hạn của hộ chiếu.

Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) phản ánh đối với hộ chiếu phổ thông, dự thảo luật chỉ quy định hộ chiếu còn giá trị sử dụng, nhưng thực tế khi đi nước ngoài đều yêu cầu còn giá trị sử dụng 6 tháng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa nội dung này theo hướng hợp lý.

Các đại biểu cũng nêu thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam,” vì vậy đề nghị Bộ Công an cần sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời việc sản xuất hộ chiếu có gắn chíp điện tử và vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), vấn đề giấy tờ xuất nhập cảnh được quy định trong dự thảo Luật cần bổ sung nội dung để Chính phủ quy định chi tiết việc cấp hộ chiếu điện tử thống nhất trong toàn quốc.

Về việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài được quy định tại Điều 13, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự thảo lại nội dung này rõ ràng, cụ thể hơn, nêu rõ những trường hợp nào phải xuất trình loại giấy tờ nào để chứng minh khi làm thủ tục.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn