Sáng 1/11/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý có 59 điều (giảm 6 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng và lược bỏ 1 điều về xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC).
Với một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Về phòng cháy, dự thảo Luật đã tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều, gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý. Tại khoản 5 Điều 54 đã giao các Bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…
Về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh tại Điều 20 và phòng cháy đối với cơ sở tại Điều 22, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Qua đó cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho rằng: thực tế, các năm qua, số lượng vụ cháy không ngừng gia tăng, đặc biệt là đám cháy xảy ra ở khu dân cư đông người ngày càng nguy hiểm khi dễ dàng lan rộng; hậu quả cháy gây nổ, thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kéo theo nhiều hệ lụy. Có thể thấy, để dập tắt đám cháy, cần huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, trước mắt là nguồn chi từ ngân sách nhà nước và sau đó tổ chức cấp cứu người bị nạn, huy động giúp đỡ người thiệt hại ổn định đời sống, kịp thời phục vụ sản xuất và nhiều vấn đề khác nhằm khắc phục hậu quả cháy... Tại Điều 20 quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình hợp lý vì chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Quan tâm tới phòng cháy đối với chung cư cao tầng, đại biểu Vũ Hồng Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, nêu quan điểm: Chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Theo đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn. Bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình.
Theo đại biểu Luyến, việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra.
Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng, công tác PCCC từ Điều 15 đến Điều 20 quy định trong dự thảo Luật khá đầy đủ, tuy nhiên các vụ cháy hiện thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy. Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy. "Hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời".
Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 19, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn