Thà bị phạt còn hơn khai sinh
Cũng như đa số các hộ dân ở xã Hà Vinh, nhà anh Mai Văn Cảnh (thôn 10) rất đông con. Mới 40 tuổi nhưng vợ chồng anh Cảnh đã có đến 5 người con. Đứa lớn đang đi học PTTH ở trường huyện, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi.
Đông con là một trong những nguyên nhân khiến gia đình anh Cảnh nhiều năm nay luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Thế nhưng, theo anh Cảnh, nhà anh nghèo mãi có nguyên nhân chủ yếu là do… phải đóng góp các khoản thuế, quĩ hàng năm quá nặng.
Vụ chiêm năm 2016 nhà anh Cảnh phải đóng góp hơn 4 triệu đồng |
Anh Cảnh cho biết, mỗi năm xã Hà Vinh và thôn 10 tổ chức thu 2 lần, vụ chiêm và vụ mùa. Vụ nào nhà anh cũng đóng góp khoảng 4-8 triệu đồng. Do gia đình khó khăn nên vụ nào nhà anh Cảnh cũng chỉ đóng được một phần, số còn lại nợ sang vụ tiếp theo mới thanh toán.
Theo phiếu thu được anh Cảnh cung cấp, vụ mùa 2014 nhà anh Cảnh phải đóng 8,2 triệu đồng, vụ chiêm 2015 đóng 6,7 triệu đồng, vụ mùa 2015 đóng 8,2 triệu đồng. Sang đến vụ Chiêm năm 2016 gia đình anh Cảnh tiếp tục phải đóng 4,2 triệu đồng.
Theo quy định của xã, thôn, tất cả những trẻ em từ 1 tuổi trở lên, có tên trong sổ hộ khẩu đều phải tham gia đóng góp hầu hết các khoản như người lớn. Do đó, để giảm bớt khoản đóng góp, vợ chồng anh Cảnh đã thống nhất không làm giấy khai sinh cho đứa con út - cháu Mai Thị Thanh Trúc.
Để "trốn" đóng góp quĩ, phí của thôn, xã, anh Cảnh chưa khai sinh cho cháu Trúc, dù cháu đã 4 tuổi |
Cháu Trúc sinh năm 2012, đến thời điểm này cháu đã 4 tuổi. Tuy nhiên, do chưa được bố mẹ làm khai sinh nên trong sổ hộ khẩu gia đình vẫn chưa có tên cháu Trúc. “Con út tôi cũng sắp đến tuổi phải đi học mẫu giáo. “Trốn” được 4 năm cũng là tốt rồi. Sắp tới tôi cũng phải đi làm giấy khai sinh để cho con đi học. Làm muộn sẽ bị cán bộ xã phạt nặng nhưng tiền phạt so với tiền phải đóng góp hàng năm tính ra vẫn lãi”, anh Cảnh tâm sự.
Bởi nghèo, bởi khó khăn túng quẫn nên gần nửa năm trước, anh Cảnh đã vay mượn để vợ là chị Lê Thị Chung (SN 1975) đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tuy vắng bàn tay quán xuyến của vợ, nhưng nhà cửa anh Cảnh vẫn luốn gọn gàng, ngăn nắp.
Anh Cảnh cho biết, đây đã là lần thứ 2 vợ anh phải gạt nước mắt, xa chồng, xa con, xuất ngoại đi lao động giúp việc ở nước ngoài.
“Đi lao động giúp việc cũng vất vả lắm, trong khi thu nhập chẳng được là bao. Tôi cũng thương vợ vô cùng nhưng không còn cách nào khác. Nếu ở nhà, chỉ trông vào mấy sào ruộng thì nợ cứ chồng nợ, hết năm này sang năm khác mà chẳng bao giờ trả hết được. Nợ lại bị tính lãi suất rất cao nên không trả được lãi mẹ đẻ lãi con cũng mệt lắm”, anh Cảnh chia sẻ.
Gạt nước mắt "tước" quyền của con thơ
Cùng cảnh ngộ như gia đình anh Cảnh là gia đình hộ nghèo Trần Văn Vinh (SN 1973) và chị Vũ Thị Hoa (SN 1975), ở thôn 10. Nhà anh Vinh cũng có 5 đứa con, 4 con đang đi học còn cháu nhỏ Trần Anh Thư (Sinh tháng 10/2013) chưa được khai sinh.
Anh Vinh cho biết: “Chưa khai sinh cho con út là để “trốn” đóng góp. Trốn được năm nào hay năm đó. Bao giờ cháu vào mẫu giáo tôi mới đi làm khai sinh cho con. Cũng vì khó khăn quá, cùng đường rồi nên mới phải làm như thế. Thương con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào hơn”.
Cháu Anh Thư (bên phải) đã 3 tuổi nhưng chưa được bố mẹ đăng ký khai sinh |
Chị Hoa cũng chia sẻ, dù vợ chồng đã làm lụng cật lực nhưng chưa bao giờ hết nợ. Nhiều lúc vợ chồng chị Hoa cảm thấy kiệt quệ vì phải đóng góp quá nhiều. “Vụ nào cũng phải nợ. Vụ chiêm năm 2016 nhà tôi phải đóng 4,8 triệu. Riêng tháng trước phải trả 7 triệu tiền nợ. Dù không có nhưng vẫn phải vay để trả cho thôn vì phải lên xã xin giấy cho con đi học. Nếu không trả nợ họ sẽ không cho dấu nên vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi mới có số tiền lớn đó”, chị Hoa tâm sự.
Để có tiền nuôi 4 đứa con ăn học và đóng quỹ hàng năm, ngoài canh tác mấy sào ruộng, vợ chồng chị Hoa phải làm thuê làm mướn. Ai thuê gì làm nấy, chị Hoa đi cuốc cỏ thuê, anh Vinh đi phụ hồ.
Đóng góp rất nhiều, nhất là tiền làm đường nhưng hiện tại đường vào gia đình anh Vinh vẫn là con đường đất lầy lội. Anh Vinh bi quan khi nói rằng, để những hộ gia đình ở tận cuối thôn như nhà anh có đường bê tông để đi, có thể nhà anh còn phải đóng góp thêm vài chục năm nữa. Chủ trương làm đường mới có 3 năm nay đã khiến nhà anh Vinh kiệt quệ. Nếu tiếp tục đóng góp, chắc nhà anh Vinh sẽ không trụ nổi trong khi vợ chồng anh Vinh không muốn các con phải thất học sớm...
Ông Ngô Xuân Cầu - Phó chủ tịch UBND xã Hà Vinh, thừa nhận, tại một số thôn đang có tình trạng một số gia đình không khai sinh cho con để “trốn” nộp quĩ. Tuy nhiên, ông Cầu lại không thừa nhận là người dân đang phải đóng góp hàng năm quá cao khiến người dân khánh kiệt…
(Còn nữa)