Quỹ được thành lập với mục tiêu, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến nhu cầu cả nước cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.
“Đây là yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, vì vậy chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách là chủ yếu, thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân,” ông Võ Thành Hưng nói.
Để vận hành và quản lý quỹ công khai, minh bạch và hiệu quả, Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư, kèm theo là quy chế tổ chức, quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, bao gồm cả phụ lục liên quan đến hạch toán, kế toán, công khai tài chính cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Theo ông Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính số tiền, quyết định sử dụng căn cứ vào yêu cầu mua vaccine của Bộ Y tế, từ đó Bộ Tài chính sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chi từ nguồn Quỹ. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để mua vaccine.
Về cơ chế kiểm soát quỹ để đảm bảo công khai minh bạch, địa diện Bộ Tài chính cho biết, số thu sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn